Trung Quốc nói Mỹ "thổi phồng" nguy cơ chạy đua vũ trang ở Biển Đông
VOV.VN - Trước cảnh báo của Mỹ về nguy cơ chạy đua vũ trang ở Biển Đông khiến tình hình trong khu vực trở nên bất ổn, Trung Quốc tuyên bố Mỹ đã quá lời.
Theo Reuters, ngày 14/12, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ xảy ra chạy đua vũ trang ở Biển Đông có thể gây bất ổn trong khu vực.
Tàu Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh Chinanews |
Ông Swift nhấn mạnh, nguy cơ này là hiển hiện trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực đang tăng cường lực lượng quân sự để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông thay vì tìm đến các biện pháp pháp lý.
Đô đốc Swift cũng lên tiếng kêu gọi các nước, nhất là Trung Quốc cần tìm đến các tòa án trọng tài quốc tế để giải quyết những tranh chấp kiểu này.
“Tôi lo ngại rằng, sau rất nhiều thập kỷ hòa bình và thịnh vượng, chúng ta có thể lại phải chứng kiến cảnh “công lý nằm trong tay kẻ mạnh” ở trong khu vực”, ông Swift tuyên bố.
“Những nước dù có tranh chấp hay không cũng đang tìm cách tăng cường sức mạnh Hải quân vượt xa những gì cần thiết để đảm bảo nhu cầu phòng vệ”, ông Swift nói thêm.
Đáp lại lời ông Swift, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 15/12 cho rằng: “Một số nước đang cố tình nói quá về tình hình căng thẳng ở Biển Đông nhằm gây chia rẽ và tìm cách can dự vào tình hình trong khu vực. Trung Quốc cực lực phản đối điều này”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lên tiếng khẳng định, một số nước đang “cố tình dương oai diễu võ” rầm rộ ở Biển Đông.
“Cũng tại thời điểm đó, những nước này lại đưa ra những tuyên bố nhằm làm leo thang căng thẳng, gây chia rẽ và “khuấy đục” vùng biển này”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều hình ảnh vệ tinh trong khu vực cho thấy, Trung Quốc đang xây dựng nhiều công trình quân sự trên 7 bãi đá mà nước này cải tạo phi pháp ở Quần đảo Trường Sa, trong đó đáng kể nhất là một đường băng dài 3km cho phép các máy bay quân sự của nước này cất cánh và hạ cánh tại đây.
“Ngay tại thời điểm này, các tàu và máy bay hoạt động gần các bãi đá này theo đúng luật pháp quốc tế đều bị Trung Quốc cảnh báo. Điều này đe dọa đến hoạt động vận tải thương mại và các hoạt động quân sự thường xuyên diễn ra trong khu vực”, ông Swift tố cáo.
Trước đó hồi tháng 10, Mỹ đã điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen tuần tra trong khu vực 12 hải lý gần các bãi đá nói trên. Hành động này của Mỹ đã khiến Trung Quốc hết sức cáu giận.
Tuy nhiên, từ nay đến hết năm 2015, Mỹ không có ý định tiến hành các cuộc tuần tra tương tự ở Biển Đông như các quan chức nước này đã tuyên bố trước đó.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Australia cho biết, một chiếc máy bay quân sự của nước này đang tiến hành tuần tra trong khu vực Biển Đông từ ngày 25/11-4/12 và chiếc máy bay này “đang thực thi quyền tự do bay trên không phận quốc tế”.
Liên quan đến vấn đề này, người phát ngôn Hồng Lỗi tuyên bố: “Chúng tôi không có vấn đề gì với các nước thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông miễn là các nước này tôn trọng chủ quyền của các nước khác và không làm phức tạp tình hình”.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy một bãi đá bị Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông. Ảnh CSIS |
Trước hành động cải tạo và xây dựng phi pháp của Trung Quốc trên các bãi đá ở Biển Đông, Philippines đã kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Quốc tế (PCA).
Tuy nhiên, Trung Quốc đã từ chối tính pháp lý của Tòa và tẩy chay phiên tranh tụng diễn ra ngày 24/11 tại Tòa. Dù phán quyết của Tòa được cho là có tính ràng buộc với mọi quốc gia có liên quan, bao gồm cả Trung Quốc, Tòa không có quyền buộc các nước phải thực thi phán quyết của mình, chính vì vậy, nhiều nước cố tình phớt lờ nó./.