Trung Quốc - Pakistan: Mối quan hệ mặn mà, hiệu quả
(VOV) - Hai bên đã có nhiều dự án rất thiết thực để hỗ trợ lẫn nhau về cả quốc phòng và kinh tế.
Sau chuyến thăm Ấn Độ, hôm 22/5 Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến thăm Pakistan. Chuyến thăm diễn ra chưa đầy 2 tuần sau cuộc Tổng tuyển cử Pakistan, vào giai đoạn chuyển giao quyền lực ở Pakistan, chứng minh sự tin tưởng sâu sắc giữa 2 nước.
Chuyến thăm của ông Lý Khắc Cường cũng không nằm ngoài mục đích vạch ra chiến lược cho hợp tác hơn nữa giữa 2 nước, mối quan hệ được đánh giá có nhiều thuận lợi và tiềm năng.
Trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Lý Khắc Cường với Tổng thống Pakistan Ali Zardari, Thủ tướng lâm thời Khan Khoso ngày 22/5, hai bên đánh giá cao kết quả mối quan hệ 2 nước trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng.
Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định hai bên đạt được nhiều đồng thuận quan trọng.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường được đón tiếp nồng hậu tại Pakistan (ảnh: channelnewsasia) |
Ông Lý nói: “Để thắt chặt mối quan hệ hợp tác chiến lược trên tất cả các lĩnh vực, và để chứng minh niềm tin của người dân 2 nước, tôi quyết định đến Pakistan trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên với tư cách thủ tướng. Điều đó chứng tỏ với cộng đồng quốc tế, Trung Quốc cam kết củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống với Pakistan. Tôi tin rằng, bất kể tình hình quốc tế diễn biến thế nào, Trung Quốc và Pakistan sẽ luôn luôn là đối tác tin cậy của nhau. Chúng ta có thể cùng phối hợp với nhau để đảm bảo một tương lai tươi sáng hơn cho mối quan hệ 2 nước”.
Thực tế, Pakistan và Trung Quốc đã thực hiện thành công nhiều dự án hợp tác về kinh tế, quốc phòng. Tiêu biểu là dự án phối hợp chế tạo máy bay chiến đấu JF-17. Cũng mới đây, Pakistan chính thức chuyển Trung Quốc quyền kiểm soát cảng Gwadar gần eo biển Hormuz, động thái tạo điều kiện cho Bắc Kinh thiết lập một tuyến đường hàng hải an toàn để vận chuyển năng lượng từ châu Phi và Trung Đông.
Đề xuất 5 điểm
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đề xuất kế hoạch 5 điểm để xúc tiến mối quan hệ hợp tác chiến lược với Pakistan.
Điểm nổi bật là dự án hành lang kinh tế Pakistan –Trung Quốc, kết nối hơn nữa miền Trung và Tây Trung Quốc với Pakistan. Theo ông Lý Khắc Cường, kế hoạch này mang “ý nghĩa chiến lược quan trọng trong việc duy trì hòa bình, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân Trung Quốc, Pakistan, và Nam Á nói chung”.
Kế hoạch này cũng phù hợp với chương trình cải cách của ông Nawaz Sharif, người vừa đắc cử trong cuộc bầu cử mới đây. (Ông Sharif tuyên bố, chính phủ mới sẽ làm một cuộc cách mạng hiện đại hóa hạ tầng cơ sở.) Điều này chắc chắn mở ra cơ hội lớn cho Trung Quốc đầu tư vào các dự án hạ tầng của Pakistan, và dự án đặc biệt quan trọng là hợp tác sản xuất điện, giúp Pakistan giải quyết bài toán thiếu điện nghiêm trọng.
Một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) nhận định, lĩnh vực sản xuất hàng hóa cuả Pakistan sẽ phát triển hơn nữa nếu Trung Quốc chuyển giao công nghệ cho một số nhà máy của Pakistan.
Kế hoạch hành lang kinh tế sẽ hỗ trợ rất lớn cho Pakistan vực dậy nền kinh tế, trong khi đối với Trung Quốc, dự án này sẽ giúp duy trì ổn định tại khu tự trị Tân Cương và thực hiện chiến lược phát triển khu vực miền Tây vốn còn tụt hậu so với các vùng miền khác của Trung Quốc.
Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Pakistan. Kim ngạch thương mại song phương dự kiến sẽ nâng lên 15 tỷ đôla trong 2 hoặc 3 năm nữa.
Trong bối cảnh quan hệ Pakistan có phần lạnh nhạt với Mỹ, còn Trung Quốc lo ngại trước việc Mỹ chuyển dịch trọng tâm chiến lược tới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, thì việc Pakistan và Trung Quốc xích lại gần nhau là xu hướng tất yếu./.