Trung Quốc phê duyệt thêm hai dự án điện hạt nhân
VOV.VN - Tổng đầu tư cho hai công trình này là hơn 70 tỷ nhân dân tệ (hơn 10 tỷ USD) .
Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm qua (2/9), Trung Quốc đã phê duyệt thêm hai dự án điện hạt nhân, trong đó có một dự án ở đảo Hải Nam, gần Việt Nam.
Dự án điện hạt nhân vừa được phê duyệt là giai đoạn 2 Nhà máy điện hạt nhân Xương Giang (Changjiang) Hải Nam và giai đoạn 1 Nhà máy điện hạt nhân Tam Áo (Sanao) Chiết Giang. Tổng đầu tư cho hai công trình này là hơn 70 tỷ nhân dân tệ (hơn 10 tỷ USD) và sẽ đem lại nhiều việc làm cho các địa phương này.
Được biết, giai đoạn 2 Nhà máy điện Xương Giang sẽ sử dụng công nghệ điện hạt nhân thế hệ 3 "Hoa Long 1" do Trung Quốc tự chủ nghiên cứu. Chi phí xây dựng mỗi tổ máy này vào khoảng 20 tỷ nhân dân tệ (gần 3 tỷ USD).
Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay, điện hạt nhân chiếm tới 1/3 tổng lượng điện cung cấp cho toàn tỉnh Hải Nam. Tỷ lệ điện hạt nhân của tỉnh này hiện đang đứng đầu Trung Quốc.
Trong khi đó, giai đoạn 1 Nhà máy điện hạt nhân Tam Áo ở tỉnh Chiết Giang là dự án điện hạt nhân đầu tiên có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc, cũng là công trình quan trọng trong nỗ lực xây dựng tỉnh Chiết Giang thành địa phương thí điểm trong phát triển năng lượng sạch ở nước này.
Thông tin từ Bộ Môi trường Sinh thái Trung Quốc cho biết, tổng đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Tam Áo khoảng 39,3 tỷ nhân dân tệ (hơn 5,7 tỷ USD).
Được biết, từ năm 2016 đến năm 2019, rất ít dự án điện hạt nhân được phê duyệt ở Trung Quốc. Năm 2019, có 2 dự án được duyệt ở tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông. Đây cũng là những tổ máy điện hạt nhân đầu tiên xây dựng sau năm 2016.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội năng lượng hạt nhân Trung Quốc, tính đến 30/6, Trung Quốc có 47 tổ máy điện hạt nhân đang hoạt động với tổng công suất là 48.759 MW, đứng thứ 3 trên thế giới chỉ sau Mỹ và Pháp.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng, quốc gia này dự kiến vận hành khoảng 110 nhà máy điện hạt nhân vào năm 2030. Mục tiêu của Trung Quốc là xây dựng cường quốc điện hạt nhân vào năm 2030./.