Trung Quốc tăng cường chấn chỉnh thị trường thẩm mỹ
VOV.VN - Ngành thẩm mỹ tại Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ nhưng cũng xuất hiện nhiều vấn đề, đặc biệt là việc một số cơ sở thẩm mỹ đã sử dụng nhiều thủ đoạn lừa dối khách hàng gây ảnh hưởng nghiêm trọng về tài chính, sức khỏe, thậm chí tính mạng của người tiêu dùng.
Cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc mới đây công bố những vụ việc điển hình về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực thẩm mỹ năm 2021. Theo đó, cơ quan này đã phát hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như tuyên truyền sai sự thật, làm hàng giả, gây nhầm lẫn trên thị trường thẩm mỹ, đồng thời nỗ lực điều chỉnh trật tự của thị trường thẩm mỹ.
Những sai phạm trong ngành thẩm mỹ có thể tổng kết trong hai chữ “ba không”, tức là cơ sở thẩm mỹ không hợp pháp, bác sỹ thẩm mỹ không hợp pháp và sản phẩm thẩm mỹ không hợp pháp. Theo thống kê chưa đầy đủ, hơn 30.000 cơ sở thẩm mỹ trên toàn Trung Quốc nhưng chỉ có khoảng 5.000 bác sĩ đạt chứng nhận được thực hiện công việc thẩm mỹ.
Một số cơ sở thẩm mỹ quảng cáo phóng đại trình độ của bác sĩ, hay như thuê được chuyên gia thẩm mỹ nổi tiếng của nước ngoài tạo cho người tiêu dùng ảo tưởng về chất lượng dịch vụ. Chẳng hạn sai phạm của Cơ sở làm đẹp Ái Duyệt Bắc Kinh đã quảng cáo cơ sở có bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ của một bệnh viện nổi tiếng, nhưng thực tế bác sĩ này chỉ đến đó để bồi dưỡng thêm chứ không phải bác sĩ chính thức. Hay như một cơ sở ở Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên quảng cáo đã thuê được bác sĩ thẩm mỹ người Hàn Quốc, đồng thời chủ cơ sở còn ngụy tạo thông tin mình lớn lên ở Hàn Quốc.
Một số cơ sở thẩm mỹ đưa thông tin hư cấu về trước, sau chẩn đoán và điều trị, quảng bá tính hiệu quả của sản phẩm hoặc dịch vụ; sử dụng các trường hợp giả mạo và tuyên truyền phóng đại, chẳng hạn như liệu pháp “ngâm nước nóng 42 độ C trong 5 phút có thể ngăn chặn tác hại của tia cực tím trong 5 tuần”. Chủ cơ sở không thể giải thích được tính hiệu quả cũng như căn cứ khoa học của liệu pháp này.
Bị thúc đẩy bởi lợi ích, một số cơ sở thẩm mỹ đã tạo ra “lo lắng về ngoại hình” và “lo lắng về cơ thể” ở người tiêu dùng để họ phải chi tiền thực hiện các liệu pháp thẩm mỹ. Ngoài ra, một số ca phẫu thuật không do cơ sở thẩm mỹ thực hiện nhưng lại quảng cáo của cơ sở mình nhằm đánh lừa khách hàng.
Theo thống kê, từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, cơ quan quản lý thị trường các cấp trên toàn Trung Quốc đã điều tra, xử lý gần 5.400 vụ cạnh tranh không lành mạnh, với số tiền phạt 350 triệu NDT (tương đương 55 triệu USD). Trong đó, có khoảng 70 vụ tuyên truyền sai sự thật trong lĩnh vực thẩm mỹ, với số tiền phạt là 3,55 triệu NDT (khoảng 550.000 USD).
Theo cơ quan chức năng của Trung Quốc, các cơ sở thẩm mỹ vi phạm đã bị buộc dừng hoạt động và bị trừng phạt theo quy định của pháp luật. Việc vạch trần những vụ việc vi phạm điển hình là sự cảnh báo, nhắc nhở khách hàng yêu cái đẹp hãy tiêu dùng một cách khoa học, hợp lý, không mù quáng chạy theo trào lưu và tiêu dùng bốc đồng./.