Trung Quốc tặng thiết bị cho cảnh sát Solomon
VOV.VN - Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare cho hay ông “muốn Solomon và Trung Quốc thảo luận về việc nâng cấp các hoạt động huấn luyện chung thành thỏa thuận có tính chất lâu dài hơn với mục tiêu nhằm đảm bảo lực lượng cảnh sát Solomon có đầy đủ năng lực về lâu dài”.
Sau khi Quần đảo Solomon thông báo về việc ký thỏa thuận an ninh với Trung Quốc khiến một số quốc gia như Australia, New Zealand và Mỹ lo ngại, giờ đây quan hệ giữa Solomon và Trung Quốc lại được củng cố thêm khi Solomon cho biết, Trung Quốc chuẩn bị tặng cho cảnh sát nước này một số thiết bị để nâng cao năng lực đảm bảo an ninh đất nước.
Báo điện tử ABC News của Australia hôm nay (6/7) cho biết, trong tuyên bố đưa ra vào tuần trước, Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare cho hay ông “muốn Solomon và Trung Quốc thảo luận về việc nâng cấp các hoạt động huấn luyện chung thành thỏa thuận có tính chất lâu dài hơn với mục tiêu nhằm đảm bảo lực lượng cảnh sát Solomon có đầy đủ năng lực về lâu dài”.
Thủ tướng Sogavare nói rằng, ông “mong muốn có sự sắp xếp lâu dài chứ không chỉ là phản ứng trước một số tình huống nhất định và hướng tới việc xác định các lỗ hổng và giải quyết trước khi chúng bị phát hiện như cuộc bạo loạn diễn ra vào tháng 11/2022”.
Mặc dù tuyên bố này không đề cập về khả năng xuất hiện hiện lâu dài của cảnh sát Trung Quốc tại thủ đô Honiara song nó cho thấy rõ mong muốn của chính quyền Solomon trong việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực cảnh sát với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Sogavare cũng cho biết, trong thời gian tới nước này sẽ nhận được 22 xe cảnh sát, 30 xe môtô, 2 vòi rồng, 8 máy bay không người lái cho cảnh sát và thiết bị bảo vệ cá nhân tiên tiến với tổng trị giá trị gần 4 triệu AUD do Trung Quốc tặng để tăng cường năng lực cho lực lượng cảnh sát nước này.
Thủ tướng Sogavare nhấn mạnh, “khi năng lực được đảm bảo thì nước này sẽ không còn phải phụ thuộc vào các quốc gia khác trong việc hỗ trợ nước này ứng phó với các mối đe dọa ở trong nước”. Thủ tướng Sogavare khẳng định “quốc gia có chủ quyền không thể tiếp tục phụ thuộc vào nước khác trong việc đảm bảo an ninh. Chúng ta cần có năng lực để giải quyết các mối đe dọa ở trong nước”.
Việc nâng cao năng lực cho lực lượng an ninh là điều bình thường mà tất cả các quốc gia có chủ quyền đều làm. Tuy nhiên với trường hợp của Quần đảo Solomon, những tuyên bố mới của Thủ tướng Sogavare chắc chắn sẽ khiến một số quốc gia trong khu vực lo ngại khi nó cho thấy nước này đang tiến đến gần hơn với Trung Quốc trong khi giảm sự gắn kết về an ninh với các quốc gia trong khu vực.
Khu vực Nam Thái Bình Dương gồm nhiều quốc đảo nhỏ, nằm rải rác trên một diện tích rộng lớn. Các nước này dân số ít, nền kinh tế cũng nhỏ nên khả năng đảm bảo an ninh, quốc phòng hạn chế. Vì vậy, trong nhiều năm qua, khi một quốc gia bị đe dọa về an ninh thì các nước trong khu vực đều lập một lực lượng đa quốc gia có sự tham gia của nhiều nước tới giúp kiểm soát tình hình như sự hỗ trợ mà quần đảo Solomon nhận được kể từ cuộc bạo loạn vào tháng 11/2021 ở thủ đô Hoinara.
Việc nhiều nước cử nhân sự tham gia lực lượng đa quốc gia đảm bảo lực lượng này hoạt động độc lâp, công bằng nhằm đảm bảo an ninh, ngăn chặn bạo lực chứ không can thiệp vào công việc nội bộ, chính trường ở các nước này. Sự duy trì và hoạt động của lực lượng này hiện đang là một trong những nhân tố tạo ra sự kết nối và đoàn kết trong khu vực.
Vì vậy khi Solomon muốn giảm sự phụ thuộc vào lực lượng này đặt ra lo ngại về việc Solomon có thể giảm kết nối với các quốc gia khác trong khu vực trong khi gia tăng hợp tác với Trung Quốc. Đặc biệt trong bối cảnh Solomon đã bí mật ký thỏa thuận an ninh với Trung Quốc khiến một số quốc gia trong khu vực lo ngại khi cho rằng thỏa thuận có thể tạo tiền đề cho việc Trung Quốc thiết lập căn cứ hải quân ở nước này, nơi cách Australia chưa đầy 2000 km thì bất kỳ sự nhích lại gần hơn nữa với Trung Quốc của Solomon đều làm gia tăng lo lắng ở trong trong khu vực./.