Trung Quốc thiệt hại nhiều hơn Mỹ trong cuộc chiến thương mại?
VOV.VN - Các cuộc chiến thương mại có thể tác động lớn hơn với nền kinh tế Trung Quốc so với những tổn thương gây cho nền kinh tế Mỹ.
Các nhà kinh tế cảnh báo, Trung Quốc sẽ thiệt hại nhiều hơn Mỹ khi cuộc chiến thương mại giữa hai bên leo thang. Theo đó, tăng trưởng của Trung Quốc có thể bị tụt lùi trong năm 2019 vì những thuế suất của Mỹ. Trong khi đó, những ảnh hưởng với nền kinh tế Mỹ vẫn tương đối nhỏ. Song nếu cuộc chiến thương mại kéo dài và gây tổn hại niềm tin của người tiêu dùng thì tác động với phía Mỹ cũng sẽ lớn dần lên.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang căng thẳng. Ảnh: MGN
Đòn đánh vào xuất siêu của Trung Quốc
Nền kinh tế Trung Quốc, với nhiều tổn thương nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu, dường như sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn trong cuộc chiến thương mại đang gia tăng căng thẳng với Mỹ. Trong diễn biến mới nhất, Mỹ đầu tuần này áp thuế suất 10% lên 200 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đáp trả ngay sau đó, Trung Quốc áp thuế suất 5% - 10% lên 60 tỷ USD giá trị hàng hóa của Mỹ. Các chuyên gia ước tính, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ mất đi 0,5 - 0,6 điểm % trong năm sau nếu Mỹ tăng mức thuế suất này lên 25% từ 1/1/2019 như tuyên bố. Chuyên gia Ethan Harris, đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại Ngân hàng Merrill Lynch của Mỹ nhận định: “Nếu áp thuế tương ứng với các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ và Trung Quốc, thì Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại gấp 4 lần vì họ xuất khẩu nhiều gấp 4 lần so với nhập khẩu”.
Đến nay, các những mức thuế suất được Mỹ áp đặt trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc có hơn một nửa là tác động đến tăng trưởng của Bắc Kinh. “Tại Mỹ, chúng tôi thậm chí bị tác động không nhiều bởi vì đây không phải là cú sốc lớn trong khi đà tăng trưởng đang rất mạnh mẽ trong nền kinh tế Mỹ”, ông Ethan Harris cho biết thêm.
Ngân hàng Mỹ (BofA) dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2019 là 6,1%. Còn Ngân hàng JP Morgan ước tính con số này sẽ giảm 0,6 điểm % bởi vì sự suy yếu của cả hoạt động xuất và nhập khẩu. Với kinh tế Mỹ, tác động từ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc hiện nay chỉ ở mức khiêm tốn ở 0,1 -0,2 điểm %. Trong trường hợp Mỹ tăng thuế suất với 200 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ 10% lên 25% từ đầu năm 2019, cộng với việc đáp trả từ Bắc Kinh, nền kinh tế Mỹ cũng chỉ thiệt hại 0,2 - 0,3 điểm % của tăng trưởng năm 2019. BofA vẫn dự báo kinh tế Mỹ năm tới tăng trưởng 2,7%.
Chuyên gia Ethan Harris nhận định rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ không kết thúc cho tới khi người tiêu dùng tại Mỹ cảm nhận tác động rõ rệt hoặc họ bắt đầu cảm thấy lo ngại về một cuộc chiến lâu dài với căng thẳng ngày càng leo thang.
Đến nay, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn đang phớt lờ trước các mức thuế suất và thiệt hại kinh tế tiềm tàng từ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Các nhà chiến lược cho rằng, chỉ khi sức mua giảm mạnh có thể ảnh hưởng tới các điều kiện tài chính tại Mỹ, thì mới khiến chính quyền Tổng thống Trump phải chú ý.
“Thị trường Mỹ vẫn tin rằng sẽ có một thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc. Tôi cho rằng, họ đang hiểu lầm về những điều mà Trump mong muốn. Cuộc chiến của Trump có 2 khía cạnh. Một là nhằm vào các chuỗi cung ứng và hai là nhằm vào thói quen làm ăn kinh tế của Trung Quốc. Ông Trump muốn Trung Quốc thay đổi một cách cơ bản”, nhà nghiên cứu chiến lược thị trường Marc Chandler tại Bannockburn Global Forex nhận định.
Tổng thống Trump: Mỹ để ngỏ cửa cho đàm phán thương mại với Trung Quốc
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Các “đòn đánh” dồn dập
Trung Quốc sẵn sàng đối đầu thương mại
Ngày 19/9, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định, chính phủ nước này có khả năng hỗ trợ nền kinh tế trụ vững trước các thách thức. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng thừa nhận những ảnh hưởng chắc chắn mà Bắc Kinh phải đối mặt trong bối cảnh có những thay đổi trong nền kinh tế và thương mại toàn cầu.
“Thực tế, chúng ta đang phải đối mặt với những khó khăn lớn hơn trong việc giữ vững hoạt động ổn định của nền kinh tế Trung Quốc”, ông Lý Khắc Cường nói.
Trung Quốc có rất nhiều “vũ khí thương mại” để tùy ý sử dụng, mà theo các nhà chiến lược, Bắc Kinh trước tiên đã dùng đến “đòn trả miếng” Mỹ bằng thuế suất. Theo các nhà kinh tế tại JP Morgan, việc để tụt tỷ giá đồng nhân dân tệ so với USD là một cách hiệu quả để Trung Quốc kiểm soát thiệt hại trước đòn đánh thương mại từ Mỹ. “Với tỷ giá giảm nhẹ so với đồng USD, ảnh hưởng của thuế suất từ Washington đã phần nào được bù đắp”, JP Morgan nhìn nhận.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cho rằng Bắc Kinh không nên chủ quan và mạo hiểm khi để đồng nhân dân tệ mất giá quá nhiều. Nhất là khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể tiếp tục leo thang vì Tổng thống Trump đã đe dọa tiếp dụng áp mức thuế suất với 267 tỷ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc, đồng nghĩa với việc 100% hàng hóa của Bắc Kinh sẽ bị đánh thuế.
“Tôi cho rằng, tỷ giá đồng nhân dân tệ đã suy yếu đến mức thấp nhất. Họ (Trung Quốc) không muốn đồng tiền của mình bị mất giá quá mạnh. Về lâu dài, các biện pháp Trung Quốc có thể sử dụng là để đồng tiền của mình mất giá, nhằm gây sức ép với các công ty của Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc. Bắc Kinh đồng thời sẽ chuyển dự trữ từ đồng USD sang các loại tiền tệ khác. Trung Quốc có thể bán nợ của Kho bạc Mỹ và mua nợ chính phủ của châu Âu hay Nhật Bản”, chuyên gia Ethan Harris tại Ngân hàng Merrill Lynch nhận định
Song đây cũng là các biện pháp cực đoan và chúng sẽ không được sử dụng trừ khi toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc bị đánh thuế. Bắc Kinh có một lý do nữa để tính đến những biện pháp này như lựa chọn cuối cùng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ là sự tổn hại mà chúng gây ra sẽ là nặng nề với cả hai bên./.
Giải mã sự “tăng nhiệt” của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung