Trung Quốc và Belarus thắt chặt quan hệ chiến lược, kêu gọi hòa bình cho Ukraine
VOV.VN - Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm nay (2/3) kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước 3 ngày tới Trung Quốc. Ông là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên tới Bắc Kinh sau khi nước này công bố lập trường 12 điểm về cuộc xung đột Ukraine.
Tuyên bố chung về việc phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong mọi tình hình giữa hai nước trong thời đại mới công bố sáng ngày 2/3 trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, nguyên thủ hai nước đã tiến hành hội đàm và trao đổi quan điểm sâu sắc về hợp tác song phương trên các lĩnh vực cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, đồng thời đạt được nhất trí chung rộng rãi.
Về quan hệ song phương, hai bên nhấn mạnh sự ủng hộ vững chắc lẫn nhau trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của nhau là nền tảng cho sự phát triển ổn định của quan hệ Trung Quốc-Belarus. Hai bên nhất trí đi sâu hợp tác toàn diện trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), tiếp tục thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại giữa hai nước, giải phóng tiềm năng vận tải xuyên biên giới như tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc-châu Âu và tăng dần quy mô thương mại song phương.
Hai bên cũng cho biết sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, tư pháp và an ninh chấp pháp, cùng đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, chủ nghĩa khủng bố, ngăn chặn cách mạng màu và triển khai hợp tác toàn diện trong các khuôn khổ đa phương.
Trung Quốc ủng hộ Belarus sớm trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, trong khi Belarus ủng hộ Sáng kiến Phát triển Toàn cầu và Sáng kiến An ninh Toàn cầu của Trung Quốc.
Trước đó, tại cuộc hội đàm ngày 1/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Belarus là “không gì phá vỡ nổi”. Ông kêu gọi hai bên tiếp tục tăng cường tin cậy lẫn nhau về chính trị, trước sau như một là bạn bè thực sự và đối tác tốt của nhau, kiên quyết ủng hộ con đường phát triển mà mỗi bên lựa chọn, ủng hộ việc bảo vệ lợi ích cốt lõi của mỗi bên, phản đối các thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ, bảo vệ chủ quyền và an ninh chính trị của hai nước.
Về phần mình, theo truyền thông Trung Quốc, Tổng thống Belarus Lukashenko khẳng định, nước này kiên định ủng hộ Trung Quốc bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình, ủng hộ và tích cực tham gia xây dựng BRI, Sáng kiến An ninh Toàn cầu và Sáng kiến Phát triển Toàn cầu do ông Tập Cận Bình đề xướng, đồng thời mong muốn tăng cường phối hợp với Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế và khu vực lớn.
Hai bên cũng trao đổi về cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông Tập Cận Bình chỉ rõ lập trường cốt lõi của Bắc Kinh là thuyết phục hòa bình và thúc đẩy đàm phán, đồng thời kêu gọi các bên giải quyết vấn đề thông qua các giải pháp chính trị, từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh, tôn trọng mối quan tâm an ninh hợp lý của các bên và xây dựng một cấu trúc an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững.
Mặc dù không chỉ đích danh quốc gia nào, song Chủ tịch Trung Quốc đã yêu cầu “các quốc gia có liên quan” ngừng chính trị hóa và công cụ hóa kinh tế thế giới, làm những việc có lợi cho ngừng bắn, chấm dứt chiến tranh và giải quyết khủng hoảng một cách hòa bình.
Ông Lukashenko khẳng định, Belarus “hoàn toàn tán thành và ủng hộ lập trường và chủ trương của Trung Quốc về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine”, cho rằng điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải quyết khủng hoảng.
Sau cuộc hội đàm, hai bên đã chứng kiến lễ ký văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực, như kinh tế thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, hải quan, khoa học công nghệ, y tế, du lịch, thể thao và hợp tác địa phương.
Gần 20 năm qua, quan hệ giữa Trung Quốc và Belarus đã phát triển nhanh chóng. Năm 2005, quan hệ hai nước bước vào giai đoạn mới phát triển toàn diện và hợp tác chiến lược. Năm 2013, hai bên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Năm 2016, hai nước tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện tin cậy lẫn nhau và hợp tác cùng thắng.
Chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng thống Belarus được đánh giá là nhằm tiếp nối mối quan hệ bền chặt giữa hai bên sau khi hai nước nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2022./.