Tunisia tiếp tục rơi sâu vào khủng hoảng chính trị
VOV.VN - Nhiều người chỉ trích chính phủ cho rằng, nội các do đảng Ennahda lãnh đạo đã thất bại trong kiềm chế các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Hôm 7/9, hàng chục nghìn người Tunisia đã biểu tình trước trụ sở Hội đồng Lập pháp để yêu cầu chính phủ nước này từ chức. Đây là một trong những cuộc biểu tình đối lập lớn nhất trong lịch sử Tunisia. Các cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra trong những ngày gần đây đang có nguy cơ đẩy đất nước Tunisia rơi vào khủng hoảng chính trị sau cuộc lật đổ chính phủ tại nước này cách đây hơn 2 năm rưỡi.
Nhóm các đảng phái đối lập đã tiến hành cuộc biểu tình nhân tưởng niệm 40 ngày chính trị gia đối lập Mohammed Brahmi bị ám sát (hôm 25/7). Trên tay cầm lá cờ đỏ và trắng cùng chân dung của chính trị gia đối lập bị sát hại Brahmi, những người biểu tình đứng chật cứng trên tuyến phố gần tòa nhà Trụ sở Hội đồng lập pháp, yêu cầu chính phủ do người Hồi giáo nắm giữ từ chức và chấm dứt bế tắc chính trị.
(ảnh: keepamericaatwork) |
Cùng đồng hành với đoàn người biểu tình, lãnh đạo đảng Nida Tounes đối lập, Cựu Thủ tướng Tunisia, Essebsi cũng kêu gọi người biểu tình hành động: “Chúng ta sẽ tìm lại được hòa bình chỉ khi chúng ta công bố được tên những kẻ sát nhân giết hại các nhà lãnh đạo. Đừng sợ hãi, chúng ta sẽ chiến thắng. Chiến thắng của chúng ta sẽ mang đến sự thật”.
Những vụ biểu tình tại Tunisia liên tiếp xảy ra bắt nguồn từ những vụ ám sát chính trị gia cùng với sự yếu kém của chính phủ. Trước tiên là vụ nhóm dân quân Hồi giáo kích động đã treo cổ Lotfi Nagdh, thành viên của đảng đối lập vào tháng 10 năm ngoái. Đến tháng 2 năm nay, xảy ra vụ ám sát bằng súng một nhân vật đối lập, Chokri Belaid. Và tháng 7 năm nay là vụ ám sát ông Brahmi –cũng một chính trị gia của đảng đối lập.
Nhiều người chỉ trích chính phủ cho rằng, nội các do đảng Ennahda (Ennahda) lãnh đạo đã thất bại trong kiềm chế các nhóm Hồi giáo cực đoan đang gia tăng ảnh hưởng.
Điều nghiêm trọng nhất trong vụ việc là 10 ngày trước khi ông Brahmi bị ám sát, một lãnh đạo của đảng Ennahda cầm quyền là ông Sahbi Atig đã công khai đưa ra những lời đe dọa trên đường phố nhắm vào bất cứ ai dám phản bác tính hợp pháp của chính phủ hiện hành. Đó là giọt nước làm tràn ly.
Các thành viên đối lập trong Quốc hội lập hiến quyết định ngưng hoạt động và tổ chức một cuộc biểu tình ngồi tại vùng ngoại ô Bardo để kêu gọi giải tán Quốc hội và chính phủ lâm thời. Hành động này đã kích động phong trào đoàn kết của người dân vốn đã phải chịu đựng sự thiếu năng lực của chính phủ.
Gần 2 năm sau chiến thắng của đảng Ennahda trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên, công việc soạn thảo Hiến pháp vẫn chưa hoàn tất. Hàng chục thành viên đối lập cũng đã rút khỏi Hội đồng Lập pháp, khiến công việc soạn thảo hiến pháp mới của nước này bị tê liệt.
Nhiều tuần thương lượng giữa chính phủ và phe đối lập với sự trung gian của Tổng Liên đoàn Lao động Tunisia (UGTT) đã không đem lại kết quả. Phe đối lập vẫn yêu cầu chính phủ do người Hồi giáo nắm quyền từ chức vì không đảm bảo an ninh và quản lý kém nền kinh tế, trong khi đảng Ennahda cầm quyền cho biết sẵn lòng từ chức nhưng đề nghị thêm ít nhất 1 tháng để Quốc hội hoàn thành việc soạn thảo hiến pháp và đảng này cũng sẵn sàng thương lượng về thành phần chính phủ chuyển tiếp. Nhưng như vậy chưa đủ để xoa dịu lực lượng đối lập. Dư luận khu vực lo ngại những diễn biến tại Tunisia sẽ khiến tình hình quốc gia này nóng thêm trong những ngày tới./.