Tunisia trước nguy cơ bất ổn mới
(VOV) - Việc giải tán chính phủ của Thủ tướng Tunisia có thể sẽ đưa đất nước này tới một giai đoạn bất ổn mới.
Hơn 2 năm sau các biến động chính trị - xã hội dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Ben Ali, Tunisia lại phải đối mặt với cơn sóng gió mới. Đảng Hồi giáo trong liên minh cầm quyền bác bỏ đề xuất thành lập chính phủ kỹ trị của Thủ tướng, trong khi nghiệp đoàn chính tại nước này cũng thông báo tổng đình công trong ngày hôm nay (8/2).
Người biểu tình đòi Thủ tướng Jebali từ chức (Ảnh chụp từ video, nguồn Reuters) |
Thủ tướng Tunisia Hamadi Jebali mới đây đã thông báo giải tán chính phủ liên minh để mở đường cho việc thành lập chính phủ kỹ trị chịu trách nhiệm dẫn dắt đất nước từ nay cho tới khi tiến hành các cuộc bầu cử.
Ông Jebali cho biết: “Tôi quyết định thành lập một chính phủ mà các bên tham gia không thuộc bất kỳ một đảng phái chính trị nào. Một chính phủ sẽ làm việc vì lợi ích của quốc gia và sẽ chịu trách nhiệm điều hành đất nước từ nay cho tới khi tiến hành các cuộc bầu cử”.
Thông báo nhận được sự hoan nghênh của xã hội dân sự và phe đối lập, song lại vấp phải sự phản đối của đảng Hồi giáo Ennahda trong liên minh cầm quyền. Bởi cải tổ nội các cũng đồng nghĩa với nguy cơ vai trò chi phối của người Hồi giáo sẽ bị giảm sút đáng kể.
Tuy nhiên, Phủ Tổng thống Tunisia ngày 7/2 cho biết, Tổng thống vẫn chưa nhận được đơn xin từ chức của Thủ tướng, cũng như chi tiết về một chính phủ kỹ trị. Và mọi thay đổi trong chính phủ phải được thông qua tại Hội đồng Lập hiến quốc gia, mà đảng Hồi giáo Ennahda kiểm soát tới 89 trên 217 ghế.
Trong khi đó, căng thẳng trên các đường phố Tunisia vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình diễn ra tại nhiều nơi trên khắp cả nước. Nghiệp đoàn lao động chính tại nước này cũng kêu gọi một cuộc tổng đình công trong ngày 8/2, với số người tham dự có thể lên tới 500.000 người.
Nhiều nhà phân tích lo ngại, đây có thể là điềm báo cho một giai đoạn bất ổn mới. Bởi cuộc đình công diễn ra trong bối cảnh Tunisia đang phải đối mặt với tình hình kinh tế và xã hội rất khó khăn, với các cuộc biểu tình diễn ra thường xuyên phản đối tình trạng thất nghiệp và đói nghèo. Đây cũng chính là nguyên nhân của các cuộc biều tình hồi năm 2011 dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Ben Ali.
Trong bối cảnh này, Phủ Tổng thống và Bộ Nội vụ Tunisia ngày 7/2 kêu gọi người dân biểu tình trong hòa bình. Đại sứ Pháp cùng ngày yêu cầu 25.000 công dân nước này tại Tunisia cẩn trọng và thông báo đóng cửa các trường học Pháp trong 2 ngày hôm nay và ngày mai. Bộ Giáo dục - Đại học Tunisia cũng quyết định đóng cửa các trường đại học từ hôm nay đến đầu tuần sau./.