Tương lai của Ukraine trong xung đột với Nga vẫn ảm đạm dù Nhà Trắng có đổi chủ?
VOV.VN - Theo chuyên gia nghiên cứu chính trị Luke Coffey từ Viện Hudson, tương lai của Ukraine vẫn "ảm đạm" dù Nhà Trắng có đổi chủ vào tháng 11 tới. Trong khi ông Trump tuyên bố sẽ ngừng viện trợ cho Kiev nếu tái đắc cử, bà Harris có khả năng sẽ trì hoãn quá trình này do lo ngại leo thang xung đột.
Cựu Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột Nga-Ukraine nhưng vẫn chưa đưa ra kế hoạch chi tiết về cách thức đạt được điều này. Chuyên gia Coffey cho rằng, nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng, kịch bản tệ nhất đối với Ukraine sẽ là mất đi nguồn viện trợ quân sự và kinh tế từ Mỹ và buộc phải miễn cưỡng nhượng lãnh thổ cho Nga để đổi lấy một thỏa thuận ngừng bắn. Tại một sự kiện vận động tranh cử tại bang Pennsylvania hồi cuối tháng 9, cựu Tổng thống Mỹ từng công khai chỉ trích nhà lãnh đạo Volodymyr Zelensky vì từ chối ngồi vào bàn đàm phán với Nga.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ có xu hướng theo đuổi chính sách đối ngoại hiện nay của chính quyền đương nhiệm. Dù bà Harris cam kết sẽ tiếp tục sát cánh cùng Ukraine nếu đắc cử, việc viện trợ vũ khí một cách "nhỏ giọt" và liên tục bị trì hoãn cũng là một điểm đáng lo ngại đối Kiev, ông Coffey cho biết.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, những phản ứng mạnh mẽ từ phía Nga đã nhiều lần tạm thời chặn đứng dòng chảy viện trợ từ Washington tới Kiev. Chính quyền Tổng thống Zelensky từng phàn nàn rằng, nhiều loại vũ khí quan trọng của Mỹ như tên lửa Patriot, HIMARS, xe tăng Abrams và F-16 được chuyển giao quá muộn, khiến Kiev bỏ lỡ thời cơ tạo ra những tác động cần thiết trên chiến trường. Bên cạnh đó, cùng với việc đảng Cộng hòa vẫn chiếm đa số tại Hạ viện, có nhiều khả năng những gói viện trợ tiếp theo dành cho Ukraine sẽ bị "đóng băng" trong nhiều tháng, giống như những gì đã xảy ra với dự luật trị giá 61 tỷ USD hồi đầu năm nay.
Ông Coffey cho biết, chương trình nghị sự năm 2024 của đảng Cộng hòa không hề nhắc đến Ukraine, trong khi đảng Dân chủ chỉ dành một đoạn ngắn cho Ukraine trong tổng số 92 trang của chương trình nghị sự: "Chúng tôi sẽ duy trì sự ủng hộ xuyên Đại Tây Dương cho các nỗ lực cải cách của Ukraine và toàn vẹn lãnh thổ của nước này".
"Điều này cho thấy, vấn đề Ukraine không phải là ưu tiên hàng đầu và lưỡng đảng Mỹ không muốn tiếp tục bị cuốn vào bất kỳ cuộc xung đột bên ngoài biên giới nào. Khi nhìn nhận một cách khách quan, bốn năm tới có vẻ ảm đạm đối với Ukraine", ông Coffey đánh giá.