Tương lai Syria sẽ ra sao khi Nga, Mỹ và Israel bắt tay?
VOV.VN - Nga đã tìm đến Mỹ để thiết lập các vùng an toàn mới, tập trung chống IS và dồn lực tái chiếm các khu vực khác...
Trước khi Nga - Mỹ đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở miền nam Syria hồi tháng trước, hai nước này cùng Israel đã bí mật đàm phán lập thêm các khu vực giảm leo thang căng thẳng ở biên giới với Israel và Jordan. Trong đó, các cường quốc nhấn mạnh việc ngừng bắn nhằm ổn định tình hình Syria và thúc đẩy cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Hai nhà lãnh đạo của Mỹ (trái) và Nga - hai nhân tố quan trọng trong giải quyết vấn đề Syria. Ảnh: RT.
Còn Israel muốn giảm và rút lực lượng quân sự của Iran tại Syria, cũng như lực lượng dân quân Hồi giáo dòng Shiite và phong trào Hezbollah của Lebanon.
Trước khi Nga - Mỹ ký thỏa thuận thiết lập các khu an toàn dọc biên giới với Israel và Jordan, đã diễn ra 2 cuộc họp bí mật ở thủ đô Amman của Jordan và ở một nước châu Âu, với sự tham dự của các nhà ngoại giao và các quan chức an ninh Israel, Nga và Mỹ.
Tại các cuộc họp, các bên đồng ý rằng, thỏa thuận ngừng bắn là một giải pháp cần thiết nhằm ổn định tình hình, cho phép tập trung loại bỏ IS và hạ nhiệt cuộc nội chiến tại Syria. Tuy nhiên, phía Israel mong muốn thỏa thuận được xem xét từ góc độ chiến lược lâu dài, trong đó cần tập trung giải quyết sức ảnh hưởng của Iran ở Syria sau khi cuộc nội chiến kết thúc.
Theo đó, thỏa thuận cần loại bỏ sự hiện diện của Iran khoảng 20km, tính từ đường biên giới Israel và Jordan vào bên trong lãnh thổ Syria. Israel đã đưa một danh sách các yêu cầu và những quan ngại đối với thỏa thuận, trong đó bao gồm ngăn chặn quân đội Iran, phong trào Hezbollah và lực lượng dân quân dòng Shiite ở khu vực biên giới, cũng như sự hiện diện của Iran trên toàn lãnh thổ Syria; không chấp nhận việc quân đội Nga giữ vai trò giám sát lệnh ngừng bắn trong các khu an toàn gần biên giới của nước này.
Các quan chức Israel lập luận rằng, sự hiện diện của Iran có thể thay đổi sự cân bằng giáo phái giữa người Hồi giáo dòng Shiite và Sunni. Do đó, lệnh ngừng bắn nên bao gồm việc loại bỏ tất cả các lực lượng của Iran và do Iran hậu huẫn tại Syria, nếu không sẽ tương tự như ở miền nam Lebanon và Dải Gaza, Syria sẽ trở thành “bệ phóng” khủng bố để tấn công người Do Thái.
Tuy nhiên, bản thỏa thuận ngừng bắn sau đó đã gần như không đáp ứng đủ những đòi hỏi từ Israel, không hề đề cập đến Iran, mà đơn thuần chỉ đưa ra những điều khoản chung về sự cần thiết phải ngăn chặn các nhóm vũ trang nước ngoài vào khu vực giảm căng thẳng đã được thiết lập ở phía nam Syria. Israel phản đối thỏa thuận Nga – Mỹ đã ký vì không quan tâm đến các lợi ích an ninh của nước này.
Vai trò các bên trong giải quyết tình hình Syria
Các nhà bình luận cho rằng, với tình hình căng thẳng như hiện nay, việc Mỹ và Nga thông qua thỏa thuận ngừng bắn tại các tỉnh miền nam Syria được cho là sự lựa chọn phù hợp, đặc biệt là khi Israel - đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông, có thể bị đe dọa bởi sự gia tăng của các tay súng Hezbollah và lực lượng quân đội Syria ở khu vực biên giới với nước này. Thỏa thuận sẽ giúp xác định vị trí của mỗi bên nhằm tránh xảy ra đụng độ, xung đột.
Với Mỹ, đây là cơ hội thuận lợi để lực lượng dân chủ Syria (SDF) do Washington hậu thuẫn có thể đẩy nhanh chiến dịch tấn công, giải phóng Raqqa, thành trì cuối cùng của IS tại khu vực.
Mỹ dừng ủng hộ phe đối lập, Syria có thoát khỏi vòng xoáy nội chiến?
Với Nga, họ hiện vẫn có ảnh hưởng lớn đối với chính quyền Syria và Iran. Những sáng kiến và hành động của Nga là nhằm phục vụ lợi ích của các quốc gia đồng minh này.
Tuy nhiên, sau thất bại từ các thỏa thuận giảm căng thẳng trước đó với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đã tìm đến Mỹ để thiết lập các vùng an toàn mới, tập trung chống IS và dồn lực tái chiếm các khu vực khác. Các nhà ngoại giao khu vực tin rằng, thành công ở tây nam Syria có thể mở đường cho một giải pháp chính trị rộng lớn hơn.
Triển vọng hòa bình Syria
Thỏa thuận ngừng bắn đạt được giữa Nga và Mỹ vừa qua chỉ đảm bảo ổn định ở một phần lãnh thổ của Syria, cụ thể là khu vực phía nam, giáp biên giới với Israel và Jordan. Hiện nay Mỹ thấy rằng, cuộc chiến chống IS đang bước vào giai đoạn nước rút, cho nên họ sẽ không từ bỏ vai trò của mình tại Syria.
Trong khi đó, hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố dường như vẫn đang là lựa chọn hợp lý cho chính quyền Tổng thống Donald Trump. Để theo đuổi giải pháp này, Mỹ buộc phải đáp ứng một số “điều kiện cần” của Nga, trong đó bao gồm việc từ bỏ ý đồ muốn lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Al-Assad và ngừng hỗ trợ các nhóm nổi dậy đối lập.
Tương lai chính trường Syria vẫn khó dự đoán, bởi các đồng minh của phe Nga và Mỹ, nhất là Iran và Israel sẽ không dễ dàng chấp nhận đứng ngoài cuộc chơi. Iran sẽ không có ý định rời Syria sau khi IS bị đánh bại hoặc lực lượng nổi dậy chống chính quyền Al-Assad bị đè bẹp. Trong khi đó, Israel luôn tỏ ra lo ngại khi thỏa thuận có thể khiến Tây Nam Syria trở thành “một bản sao” của miền Nam Lebanon.
Hơn thế nữa, đối với Thủ tướng Israel Netanyahu, càng cứng rắn trong thỏa thuận ngừng bắn Nga - Mỹ, sẽ càng giúp ông giảm được những mũi tấn công từ trong nước liên quan các điều tra tham nhũng, trong đó có những cáo buộc ông nhận hối lộ và gian lận./.