Tusinia có nguy cơ lại chìm trong bạo động
VOV.VN - Hiện tại, xung đột chính trị taị nước này giữa đảng Hồi giáo cầm quyền và phe đối lập thế tục đang gia tăng.
Ngày 2/8, tổ chức Tổng Công đoàn lao động Tusinia (UGTT) quyền lực tuyên bố, chính phủ do lực lượng Hồi giáo lãnh đạo của nước này có 1 tuần để đạt được một thoả thuận thành lập chính phủ kỹ trị mới. Bằng không, công đoàn sẽ “buộc phải cân nhắc” lựa chọn khác.
Tuyên bố này của Tổng Công đoàn lao động Tusinia được đưa ra giữa lúc xung đột chính trị giữa đảng Hồi giáo cầm quyền và phe đối lập thế tục đang gia tăng, có nguy cơ đẩy đất nước này chìm trong bạo động.
Thủ tướng Tunisia Ali Lahayedh (Ảnh: Reuters) |
Tổng Công đoàn lao động Tusinia hùng mạnh với 600.000 thành viên đã và đang cố gắng đóng vai trò trung gian hoà giải giữa đảng Ennahda cầm quyền và phe đối lập thế tục vốn đang đòi giải tán chính phủ đương nhiệm lẫn Hội đồng lập pháp lâm thời. Trong khi đó, chỉ còn vài tuần nữa là Tusinia hoàn tất dự thảo hiến pháp mới của đất nước.
Trước đó, cùng ngày, Thủ tướng Ali Larayedh có cuộc gặp người đứng đầu Tổng Công đoàn lao động Tusinia, ông Hussein Al Abbasi để thảo luận về cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này. Sau cuộc gặp, cố vấn chính phủ, ông Noureldine Beheri cho biết, đảng cầm quyền đã đồng ý đối thoại với các phe đối lập để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị.
“Ở nước ta, các tầng lớp chính trị, các tổ chức xã hội và các hiệp hội, thậm chí là người dân vẫn tin rằng, đối thoại là cách duy nhất để giải quyết các tranh chấp”.
Còn Bộ trưởng xã hộ Khalil Zawya cho biết, đảng cầm quyền và phe đối lập đang cố gắng thành lập một chính phủ mới:“Các bên đã đồng ý về một sáng kiến bao gồm việc thành lập chính phủ mới. Đây là một khả năng đang được các bên thỏa luận”.
Căng thẳng đang gia tăng trên khắp Tusinia, đặc biệt tại thành phố miền Trung Sidi Bouzid, cái nôi của làn sóng biểu tình mang tên "Mùa Xuân Arập" năm 2011 lật đổ chế độ của Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali và cũng là quê hương của nghị sĩ bài Hồi giáo Mohamed Brahmi bị ám sát hồi tuần trước.
Trước tình hình này, phe đối lập chỉ trích chính phủ cho rằng, nội các do đảng Ennahda lãnh đạo đã thất bại trong việc kiềm chế các nhóm Hồi giáo cực đoan đang gia tăng ảnh hưởng. Lãnh đạo các đảng đối lập kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Larayedh từ chức đồng thời đòi giải tán Hội đồng lập pháp lâm thời. Tuy nhiên, yêu cầu này đã bị chính phủ bác bỏ.
Tổng Công đoàn lao động Tusinia vốn được cho là thân phe đối lập đã đưa ra giải pháp thoả hiệp là thành lập chính phủ kỹ trị mới nhưng vẫn giữ lại Hội đồng lập pháp lâm thời. Hội đồng này có nhiệm vụ sớm hoàn tất việc soạn thảo hiến pháp và luật bầu cử mới của Tusinia. /.