UAE quyết “hút” nhân tài với “Thị thực xanh”
VOV.VN - “Thị thực xanh” là một trong những sáng kiến đầu tiên được UAE công bố, trong số 50 sáng kiến nhằm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế UAE trên toàn cầu. Đây được đánh giá là chính sách đầy tham vọng của UAE.
Ngày 5/9, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã công bố triển khai “Thị thực xanh” (Green Visa) như một trong các biện pháp nhằm thu hút nhân tài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Có thể nói “Thị thực xanh” là một hình thức nới lỏng các quy định về cư trú đối với người nước ngoài ở UAE. Luật pháp UAE quy định, người nước ngoài thường chỉ được cấp thị thực trong thời gian hạn chế gắn với hợp đồng lao động của họ, và rất khó để có được quyền cư trú dài hạn. Một khi không có việc làm, cư dân nước ngoài sẽ mất thị thực và không có quyền định cư lâu dài tại UAE. Điều này dẫn đến gần 10% dân số của đất nước đã phải rời đi trong năm đầu tiên của đại dịch COVID-19.
Trong bối cảnh quốc gia này đang phải hứng chịu những tác động to lớn do đại dịch COVID-19 gây ra với việc nền kinh tế suy giảm 6,1% vào năm 2020, chính phủ UAE đã có những phản ứng nhanh chóng. Cuối năm 2020, chính phủ UAE đã công bố mô hình thị thực từ xa, cho phép các cá nhân sống ở UAE trong một năm, ngay cả khi công việc của họ ở nước ngoài, miễn là họ đáp ứng một ngưỡng thu nhập nhất định.
Trước đó vào 2019, UAE cũng triển khai chương trình “Thị thực vàng” với thời hạn từ 5-10 năm để thu hút những cá nhân giàu có đầu tư vào nước này. Chính sách “Thị thực xanh” mới đây nhắm mục tiêu vào các cá nhân có tay nghề cao, nhà đầu tư, doanh nhân, cũng như sinh viên xuất sắc và sinh viên sau đại học. Chính sách mới sẽ mang lại cơ hội làm việc tốt hơn cho người lao động, cụ thể sẽ cho phép những người nước ngoài làm việc ở UAE mà không cần được chủ lao động bảo lãnh, đồng thời có thể bảo lãnh cha mẹ và con cái từ 25 tuổi trở xuống. Chính phủ cũng cho biết, họ sẽ cho phép những người bị mất việc làm ở lại đất nước trong vòng tối đa 180 ngày.
Cần phải nói thêm rằng, số công dân có quốc tịch UAE hiện chỉ chiếm khoảng 20% dân số của đất nước. Phần lớn trong số họ (khoảng 99%) làm việc trong khu vực công do có những lợi ích hấp dẫn và đơn thuần chỉ làm các công việc phi kỹ thuật như quan chức cấp cao, nhà quản lý, nhà lập pháp, nhân viên văn phòng, các lĩnh vực liên quan giáo dục, quân đội, cảnh sát và các dịch vụ dân sự. Như vậy, chính sách thị thực mới này sẽ không gây xáo trộn đến sự phân công lao động trong xã hội của UAE mà chỉ chuẩn bị những điều kiện thuận lợi hơn, để phục vụ việc nâng mức tăng trưởng của quốc gia này giai đoạn hậu COVID-19.
Thu hút lao động tay nghề cao: Sự khác biệt của UAE
Thực tế cho thấy, không chỉ UAE mà nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng đang tích cực triển khai nhiều chương trình sáng kiến cho mục tiêu tăng trưởng và phát triển. Qatar tuyên bố mở cửa thị trường bất động sản cho người nước ngoài, với kế hoạch cho những người mua nhà hoặc cửa hàng kinh doanh tại nước này quyền cư trú dài hạn hoặc vĩnh viễn.
Tháng 6/2019, Saudi Arabia thông báo sẽ cấp quy chế cư trú dài hạn với chi phí 800.000 riyal (tương đương 213.000 USD) và quy chế cư trú một năm có thể gia hạn với chi phí 100.000 riyal, đồng thời cho phép người nước ngoài hoạt động kinh doanh và mua tài sản tại nước này mà không cần một công dân hay tổ chức đứng ra bảo lãnh.
Ngoài ra, Saudi Arabia cũng tiến hành các cải cách kinh tế tự do hóa với nỗ lực thu hút nhiều vốn nhân lực và đầu tư hơn. Saudi Arabia thông báo sẽ ngừng kinh doanh với bất kỳ công ty quốc tế nào có trụ sở khu vực nhưng không đặt tại nước này vào năm 2024. Động thái này được nhiều người cho là một sự tấn công trực tiếp vào vị thế kinh doanh của UAE trong khu vực.
Tuy nhiên, sự khác biệt trong chính sách “Thị thực xanh” của UAE nằm ở chỗ, quốc gia này chú trọng đến thu hút nhân tài trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, các lĩnh vực công nghiệp tiên tiến và giáo dục công nghệ. Tháng 11/2020, UAE đã mở rộng chương trình “Thị thực vàng” bằng việc sẵn sàng cấp thị thực dài hạn 10 năm cho tất cả những người đáp ứng đủ điều kiện như có bằng tiến sĩ, bác sĩ y khoa và cả kỹ sư máy tính, điện tử, lập trình, điện và công nghệ sinh học.
Tháng 7/2021, UAE tiếp tục khuyến khích thu hút nhân tài bằng quyết định cấp “Thị thực vàng” cho 100 ngàn lập trình viên trên khắp thế giới nhằm thực hiện định hướng số hóa đất nước trong 3 năm tới. Chính sách “Thị thực xanh” mới được đưa ra, tiếp tục là sự nới lỏng hơn nữa so với các chính sách thị thực linh hoạt trước đây nhằm thu hút thêm chất xám cho đất nước.
Bộ trưởng Thương mại UAE Thani al-Zeyoudi cho biết, loại thị thực này sẽ được cấp chủ yếu cho nhóm những lao động tay nghề cao, nhà đầu tư, doanh nhân, thực tập sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh xuất sắc. UAE cũng đang đẩy mạnh xây dựng các cơ sở giáo dục của các trường trung học, đại học hàng đầu thế giới. Động thái này giúp học sinh, sinh viên UAE trải nghiệm môi trường học tập quốc tế, đồng thời thu hút du học sinh đến quốc gia này, và góp phần phát triển kinh tế.
“Thị thực xanh” - tham vọng của UAE
Ngày 2/12/2021 tới sẽ là ngày kỷ niệm 50 năm thành lập UAE. Từ một vùng đất sa mạc cằn cỗi với tài nguyên duy nhất là nguồn dầu mỏ dồi dào, ngày nay UAE đã trở thành một trong những trung tâm dịch vụ - tài chính - kinh doanh hàng đầu thế giới.
Để kỷ niệm cho 5 thập kỷ hình thành và phát triển, UAE đang triển khai kế hoạch 50 sáng kiến nhằm đa dạng hóa nền kinh tế và kích thích tăng trưởng trong nước, tìm cách thu hút khoảng 150 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài mới trong thập kỷ tới. Đây là một phần của một loạt các biện pháp mà thế giới Ả Rập đưa ra nhằm thúc đẩy nền kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Trọng tâm của UAE hiện nay là chuyển sang phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, mã hóa, nghiên cứu không gian và học thuật xuất sắc.
Để làm được điều đó, chính phủ UAE coi “thị thực xanh” là một sáng kiến tiên phong quan trọng cần tích cực triển khai. Cùng với một loạt các cải cách cư trú trước đó, các nhà lãnh đạo UAE kỳ vọng về tác động đáng kể đến việc giữ chân các nhà đầu tư, doanh nhân giàu có và thu hút thêm nhiều chuyên gia, những nhân tài trong tất cả các lĩnh vực, hiện thực hóa tham vọng đưa UAE trở thành trung tâm toàn cầu cho nguồn nhân lực tài năng và có tầm ảnh hưởng.
Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý quan điểm cho rằng, việc tăng cường nguồn vốn con người là một bước đi đúng hướng cho sự tiến bộ, thúc đẩy một tương lai bền vững và mở ra một kỷ nguyên tăng trưởng mới của đất nước. Với 80% dân số là người nước ngoài, bất kỳ thay đổi nào liên quan đến chính sách thị thực cũng sẽ tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực, đời sống xã hội ở UAE./.