Ukraine gặp khó, phương Tây muốn đối thoại, Nga mất niềm tin
VOV.VN - Ukraine đang thừa nhận khó khăn trên chiến trường. Phương Tây lo lắng Nga sử dụng “mùa đông” như một thứ vũ khí. Dù vẫn trừng phạt Nga, vẫn bơm vũ khí đều cho Ukraine, các nước phương Tây vẫn muốn duy trì sự đối thoại với Moscow để tìm lối thoát cho xung đột.
Tuy nhiên, một cuộc đàm phán hòa bình vẫn khá xa vời, chứ chưa nói đến việc các bên sẽ sớm đạt được một thỏa thuận.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết, hôm qua (10/12), 1,5 triệu cư dân thành phố cảng Odessa, miền Nam nước này đã rơi vào cảnh mất điện: “Chìa khóa cho ngày hôm nay là năng lượng. Tình hình ở vùng Odesa rất khó khăn. Sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào ban đêm, Odessa và các thành phố và làng mạc khác trong khu vực chìm trong bóng tối. Tính đến thời điểm này, hơn 1,5 triệu người ở vùng Odessa không có điện.”
Không chỉ hệ thống năng lượng “gặp khó”, Tổng thống Ukraine cũng thừa nhận những khó khăn rất lớn về quân sự tại chiến trường miền Đông.
Trước những khó khăn lớn mà Ukraine đang gặp phải, các nước châu Âu hiện muốn tăng tiền để viện trợ quân sự cho nước này, với nhiều loại vũ khí được đề xuất; cùng ý định áp gói trừng phạt thứ 9 lên Nga. Mỹ cũng vừa công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 275 triệu USD cho Kiev.
Tuy nhiên, cũng giống như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron; Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm qua cho biết, ông vẫn muốn duy trì đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm tìm ra cách giải quyết khủng hoảng tại Ukraine hiện nay.
Thủ tướng Scholz nhấn mạnh: “Như tôi đã nói, tôi và Tổng thống Putin có quan điểm hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, tôi sẽ tiếp tục đối thoại với ông ấy bởi vì muốn nắm bắt cơ hội thoát khỏi tình huống hiện nay. Điều đó chắc chắn là không thể nếu không có các cuộc đối thoại”.
Thủ tướng Đức đã có 11 cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm gần nhất, Tổng thống Nga cũng đã cảnh báo Thủ tướng Đức về “đường lối hủy diệt” của phương Tây – bao gồm Đức, khi tiếp tục “bơm vũ khí” ngày càng nhiều vào Ukraine.
Cách đây 2 ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng bày tỏ sự “thất vọng” về phát ngôn của người tiền nhiệm Thủ tướng Đức - bà Angela Merkel khi bà thừa nhận rằng thỏa thuận Minsk chỉ là biện pháp “câu giờ” nhằm giúp quân đội Ukraine có thời gian chuẩn bị.
“Mọi thứ đang được nói bây giờ chỉ chứng tỏ rằng, chúng tôi đã làm đúng mọi thứ liên quan đến việc bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt. Tại sao? Bởi vì thực tế, các nước phương Tây không ai muốn hoàn thành những điều khoản của Thỏa thuận Minsk.”
Tổng thống Putin cho biết, Nga có thể đạt được thỏa thuận với Ukraine chỉ trong một ngày, nhưng ai sẽ đảm bảo những điều khoản trong thỏa thuận đó sẽ được thực hiện. Pháp và Đức từng tham gia thỏa thuận Minsk; nhưng không nước nào quan tâm đến thỏa thuận này.
Còn Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) - ông Vyacheslav Volodin đã yêu cầu Đức và Pháp bồi thường thiệt hại cho người dân các vùng Donbass sau lời thừa nhận của bà Angela Merkel về thỏa thuận Minsk./.