Ukraine và các quốc gia Tây Balkan cần phải gia nhập dự án chung châu Âu
VOV.VN - Ngoại trưởng châu Âu Josep Borrell cho biết, cuộc xung đột tại Ukraine đã thúc đẩy chủ trương mở rộng của EU, nhưng EU có một lịch trình cụ thể và đánh giá những tác động do quá trình mở rộng gây ra.
Phát biểu sau Hội nghị ngoại trưởng 27 nước thành viên EU tại Tây Ban Nha ngày 31/8, Ngoại trưởng EU ông Josep Borrell cho rằng Ukraine và các quốc gia Tây Balkan cần phải gia nhập dự án chung châu Âu.
Ông Josep Borrell cũng nhấn mạnh châu Âu cần phải có một lịch trình cụ thể cho quá trình xem xét kết nạp thêm các thành viên mới nhưng không đưa đề cập tới một thời hạn cụ thể.
Ngoại trưởng châu Âu Josep Borrell cho biết: “Cuộc xung đột tại Ukraine có tác động liên đới là đẩy nhanh quá trình mở rộng của EU. Đây chắc chắn là một quá trình dựa trên thực tế phù hợp, nhưng tôi cũng cho rằng cách tốt nhất là đặt ra một mục tiêu chính trị, một tầm nhìn để tạo động lực chính trị cho quá trình mở rộng này”.
Giữa tuần qua, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng cho biết EU có thể kết nạp thêm các thành viên mới từ nay đến năm 2030.
Theo dự kiến, ngoại trưởng 27 nước thành viên EU sẽ có cuộc họp với các quốc gia ứng cử viên vào cuối tháng 9/2023. Hiện có 7 ứng cử viên tiềm năng xin gia nhập EU gồm Moldova, Ukraine và 5 quốc gia Tây Balkan là Albani, Montenegro, Serbia, Bắc Macedonia và Bosnia.
Trong số này, Ukraine được coi là ứng cử viên tiềm năng hơn cả, nhưng theo các nhà quan sát việc đàm phán gia nhập của Ukraine mới chỉ ở giai đoạn đầu. Ukraine sẽ còn phải giải quyết rất nhiều câu hỏi, nhất là trong vấn đề cải cách hay những nghĩa vụ về đóng góp ngân sách hay nhận phần phân bổ từ châu Âu khi trở thành viên EU.
Ngoại trưởng các nước EU cũng đã đề cập đến gói viện trợ mới trị giá 500 triệu euro cho Ukraine nhưng vấn đề đã bị Hungary bỏ phiếu chống với lý do Ukraine xếp ngân hàng OTP của Hungary vào danh sách trừng phạt vì liên quan đến cuộc xung đột với Nga.