Vấn đề người nhập cư: “Cơn đau đầu” của châu Âu
VOV.VN - Ngày 23/10, Ngoại trưởng các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp tại Brussel, Bỉ để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh của khối sắp diễn ra vào tháng tới. Một trong những nội dung được thảo luận là biện pháp kiểm soát khủng hoảng di cư trong bối cảnh vụ xả súng tại Brussel hôm 16/10 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về an ninh của khối.
27 Ngoại trưởng các nước thành viên EU ngày 23/10 nhóm họp tại Brussel, Bỉ trong bối cảnh người nhập cư đã trở thành vấn đề nhức nhối của khối. An ninh được thắt chặt tại hàng loạt các quốc gia thành viên EU sau vụ một tay súng người nhập cư sát hại 2 công dân Thụy Điển ở Brussels, Bỉ hôm 16/10 vừa qua. Các quốc gia thành viên của EU giờ mong muốn Nghị viện châu Âu đẩy nhanh tiến độ đánh giá và xem xét để thông qua Hiệp ước về di cư và tị nạn được sửa đổi, nhằm cho phép trục xuất nhanh hơn những người nước ngoài bị coi là mối đe doạ về an ninh.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhấn mạnh nội dung cốt lõi của Hiệp ước về di cư và tị nạn được sửa đổi: “Nội dung cụ thể liên quan đến những cá nhân bị coi là mối đe dọa an ninh và đã nhận được lệnh hồi hương. Hiện tại, họ có thể được yêu cầu rời đi một cách tự nguyện. Tuy nhiên, chúng tôi đang khẩn trương thay đổi điều này. Đây là lý do tại sao Ủy ban Châu Âu phải đưa ra đề xuất nếu một người bị coi là mối đe dọa an ninh quốc gia, các quốc gia thành viên có quyền buộc người đó rời đi”.
Vụ xả súng hôm 16/10 có thể coi là giọt nước tràn ly đối với EU sau thời gian dài khối này phải oằn mình gánh chịu những hệ quả từ việc kiểm soát, giám sát không chặt chẽ vấn đề người nhập cư. Không chỉ là các vấn đề về y tế, an sinh xã hội đối với các quốc gia tuyến đầu như Italy, Hy Lạp, Tây Ban Nha… mà còn là các áp lực tài chính, trật tự trị an đối với các quốc gia tiếp nhận nhiều người nhập cư nhất như Đức, Pháp và Thuỵ Điển.
Theo số liệu thống kê mới nhất của cảnh sát Đức, trong tháng 9/2023, nước này đã ghi nhận 21.366 người nhập cư trái phép, mức cao nhất hàng tháng trong gần chục năm qua. Trong khi đó, dòng người đến quần đảo Canary của Tây Ban Nha, cũng như đảo Lampedusa của Italy tăng đột biến. Đảo Lampedusa của Italy gần đây đã tiếp nhận hàng trăm con thuyền chật ních người di cư từ châu Phi, trong đó có tới 7.000 người trên 122 thuyền chỉ trong tuần gần nhất, nhiều hơn dân số thường trú trên đảo.
Đối mặt với áp lực từ vấn đề người nhập cư, các tiếng nói trái chiều trong EU hiện đã lắng xuống để khối này thống nhất đưa ra tiếng nói chung nhằm giải quyết "cơn đau đầu" chung của khối. Tuy nhiên, về lâu dài Hiệp ước về di cư và tị nạn sửa đổi được cho là chỉ giải quyết được phần ngọn và không xử lý được gốc rễ vấn nạn người nhập cư trái phép. Theo các chuyên gia, muốn làm được điều này, EU cần phải có sự phối hợp chặt chẽ từ các nước xuất phát của người di cư cũng như sự hợp tác của các tổ chức quốc tế và cộng đồng.