Vay-mượn vaccine giữa các nước - Giải pháp đôi bên cùng có lợi
VOV.VN - Vay mượn vaccine đang là một trong những giải pháp cấp bách được các nước thúc đẩy, giúp đôi bên cùng có lợi, vừa giải bài toán thiếu vaccine vừa không bỏ phí các lô hàng vaccine dự trữ sắp hết hạn.
Tại hội nghị thượng đỉnh y tế G20 mới đây, Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhóm các nước phát triển G7 khác khẩn cấp chuyển vaccine từ các kho dự trữ ở Mỹ và châu Âu đến châu Phi.
Theo ông Brown, vào dịp Giáng sinh, phương Tây sẽ dư thừa 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19, ngay cả khi những người trưởng thành ở châu Âu và Mỹ đã được tiêm mũi nhắc lại và tất cả trẻ em trên 12 tuổi đều được tiêm vaccine.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng nhấn mạnh, thế giới đang cần hành động cụ thể cung cấp vaccine, chứ không chỉ cam kết suông từ những nước phát triển.
“Đã có nhiều bước tiến về công bằng vaccine, nhưng vẫn chưa đủ. Các quốc gia phát triển cam kết tài trợ hơn 1 tỷ liều, nhưng chưa đến 15% số đó thành hiện thực. Các nhà sản xuất đã hứa sẽ ưu tiên COVAX và các nước có thu nhập thấp. Chúng tôi không muốn có bất kỳ lời hứa nào nữa. Chúng tôi chỉ muốn có vaccine”, ông Ghebreyesus nói.
Việc các quốc gia tích trữ vaccine để bảo vệ cho sức khỏe toàn dân cũng là một vấn đề hợp lý, khi tính đến nhu cầu tiêm phòng hàng năm hoặc định kỳ. Tuy nhiên dịch Covid-19 không có biên giới, một quốc gia không thể an toàn khi các nước khác không an toàn. Do các loại vaccine ngừa Covid-19 đều có thời hạn sử dụng ngắn, các biến thể mới liên lục xuất hiện, việc tích trữ vaccine là không hợp lý. Thực tế đã có các quốc gia như Israel, Mỹ và một số nước châu Âu phải vứt bỏ những liều vaccine quá hạn. Vì vậy, để đảm bảo đôi bên cùng có lợi, một số nước đã đàm phán song phương “vay mượn vaccine” giúp đảm bảo cân bằng nguồn cung.
Nhằm giải bài toán khan hiếm vaccine ở Australia, Thủ tướng Scott Morrison đang tích cực bàn thảo với các nước để trao đổi vaccine. Australia đã đạt thỏa thuận trao đổi vaccine với với Singapore và Ba Lan, và mới nhất là Anh.
“Chính phủ Australia đã đạt thỏa thuận nhận 4 triệu liều Pfizer từ Anh, sẽ đến trong vài tuần tới. Điều này khiến cho Australia tăng gấp đôi liều Pfizer có trong tháng 9, mang lại cơ hội đáng kể cho Australia mở cửa trở lại nền kinh tế theo kế hoạch quốc gia”, Thủ tướng Scot Morrison cho biết.
Singapore trước đó cũng chuyển 500.000 liều Pfizer cho Australia trong ngày 2/9 và Australia sẽ trả lại cho Singapore số lượng vắc-xin tương tự trong tháng 12 tới. Hàn Quốc đã nhận 700.000 liều Pfizer từ thỏa thuận trao đổi với Israel và sẽ trả lại số lượng vaccine tương tự cho Israel vào tháng 10 này
Thực tế hiện có các cơ chế quốc tế để giúp phân bổ vaccine bao gồm Tổ chức Y tế thế giới, Gavi đặc biệt là Cơ chế chia sẻ vaccine COVAX. Tuy nhiên để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng quốc gia, “vay mượn vaccine” cũng là một trong những giải pháp cấp bách.
Mặt khác, vẫn có những vấn đề cần quan tâm trong quá trình nhận hay trao đổi vaccine tại những nước đang phát triển. Vaccine ngừa Covid-19 chuyển đến các quốc gia có thể đã rất gần ngày hết hạn và cần bảo quản lạnh. Do đó quá trình bảo quản và phân phối cần được thực hiện nhanh, điều rất khó thực hiện tại một số quốc gia đang phát triển. Vì vậy, ở một mức độ nào đó, việc phân phối lại vaccine có thể không được đẩy nhanh do vấn đề thiện chí chính trị hay nhu cầu, mà còn phụ thuộc nhiều vào hệ thống hậu cần tại một số quốc gia./.