Venezuela trục xuất 3 nhà ngoại giao của Mỹ
VOV.VN - Những người này bị cáo buộc tài trợ, khuyến khích các hành vi phá hoại hệ thống điện và nền kinh tế của Venezuela.
Ngày 30/9, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho biết, nhà chức trách Venezuela đã phê chuẩn việc trục xuất 3 nhà ngoại giao của Mỹ vì cho rằng họ có những “hành vi phá hoại” đất nước Nam Mỹ này.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho biết, nhà chức trách nước này đã theo dõi 3 nhà ngoại giao Mỹ trong nhiều tháng trước khi đưa ra quyết định trục xuất, các nhà ngoại giao Mỹ có 48 giờ để rời khỏi Venezuela.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cáo buộc những nhà ngoại giao Mỹ "phá hoại" đất nước ông (Ảnh: Getty Images) |
Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Maduro nói: “Chúng tôi phát hiện một nhóm các quan chức ngoại giao Mỹ tài trợ và khuyến khích các hành vi phá hoại hệ thống điện và nền kinh tế của Venezuela”.
Ông Maduro nói thêm: “Tôi có các bằng chứng trong tay… Những người Mỹ hãy rời khỏi đây. Tôi không quan tâm đến những hành động mà Chính phủ của ông Obama thực hiện. Tôi sẽ không cho phép bất kỳ hành động khuấy động bạo lực ở đất nước này”.
Tổng thống Maduro cho biết, Venezuela quyết định trục xuất Kelly Keiderling, đại biện lâm thời của Mỹ ở Venezuela (Mỹ hiện không có đại sứ tại Venezuela). Theo website của Đại sứ quán Mỹ, bà Kelly Keiderling được cử tới Caracas từ tháng 7/2011 với vai trò là phó đoàn ngoại giao và tạm thời đang giữ vai trò đại biện lâm thời của Mỹ tại Venezuela.
Hai nhân viên ngoại giao khác cùng bị trục xuất với bà Kelly Keiderling là Elizabeth Hunderland và David Mutt. Đại sứ quán Mỹ hiện vẫn chưa đưa ra bình luận hay xác nhận về việc trục xuất nói trên.
Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập ở Venezuela, ông Henrique Capriles cho rằng, việc trục xuất 3 nhà ngoại giao Mỹ là hành động nhằm che đậy việc Chính phủ của ông Maduro “không thể quản lý đất nước”.
Tháng 3/2013, Venezuela cũng đã trục xuất 2 nhân viên quân sự Mỹ, chỉ vài giờ trước khi công bố thông tin Tổng thống Hugo Chavez qua đời, với cáo buộc họ tìm cách khuấy động một cuộc đảo chính chống lại ông Chavez.
Tranh cãi ngoại giao gần đây nhất giữa 2 nước xảy ra hồi tháng trước khi chuyên cơ của Tổng thống Maduro bị từ chối cho phép bay qua không phận Mỹ để tới thăm Trung Quốc. Sau khi Venezuela lên tiếng phản đối, Mỹ mới cho phép máy bay của ông Maduro đi qua không phận nước này.
Dù Washington là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất của Venezuela nhưng Mỹ và Venezuela không có quan hệ ngoại giao chính thức và không đặt đại sứ quán trên lãnh thổ của nhau cho đến tận năm 2010.
Sau sự ra đi của ông Chavez, Tổng thống Obama đã từng tuyên bố hy vọng về một “mối quan hệ xây dựng” với Venezuela sau nhiều năm căng thẳng nhưng cho đến nay, mối quan hệ song phương giữa 2 quốc gia này vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực./.