Vì sao một số nước châu Á muốn Trump, thay vì Biden thành Tổng thống?
VOV.VN - Nhiều người ở Washington lấy làm ngạc nhiên khi các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực châu Á khá lo lắng về chiến thắng của ông Biden, đặc biệt là Nhật Bản và Ấn Độ.
Bilahari Kausikan, một nhà ngoại giao cấp cao kỳ cựu của Singapore đã gây chú ý hồi tháng 8 khi nhận xét về cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice dưới thời Tổng thống Obama rằng: “Bà Rice sẽ là một thảm họa". Bình luận này được đưa ra giữa bối cảnh lúc bấy giờ ông Joe Biden - ứng viên tranh cử Tổng thống của đảng Dân chủ đang cân nhắc lựa chọn là bà Rice là liên danh tranh cử. Ông Kausikan đã gọi bà Rice - người có thể trở thành ứng viên cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ hoặc Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời "chính quyền Biden", là một người có lập trường mềm yếu với Bắc Kinh.
"Bà ấy nằm trong số những người nghĩ rằng, Mỹ nên hạ thấp tầm quan trọng của việc cạnh tranh để hợp tác với Trung Quốc về vấn đề biến đổi khí hậu". Ông cũng cho rằng nếu ông Biden chiến thắng thì "chúng ta sẽ phải nhìn lại thời kỳ của Trump với sự hoài niệm".
Vì sao một số nước muốn Trump, thay vì Biden, thành Tổng thống?
Trên thực tế, ở một mức độ nào đó, nhiều người ở Washington lấy làm ngạc nhiên khi các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực châu Á khá lo lắng về chiến thắng của ông Biden, đặc biệt là Nhật Bản và Ấn Độ. Tại Mỹ, những chỉ trích của ông Trump với cả phe cánh tả và phe cánh hữu khiến ông trở thành mục tiêu bị công kích và nhiều người không tán thành các chính sách của ông. Họ cũng cho rằng các đối tác nước ngoài cũng vậy. Điều này có thể phù hợp khi nói đến thái độ của giới lãnh đạo châu Âu, nhưng không hoàn toàn đúng khi nói về thái độ ở châu Á.
Các quan chức tại Tokyo, New Delhi và một số nước khác đang ngày càng thoải mái với Tổng thống Trump và lập trường cứng rắn của ông với Trung Quốc.
Trái lại, viễn cảnh ông Biden giành chiến thắng lại đưa họ về với những "ký ức" không mấy vui vẻ dưới thời chính quyền Tổng thống Obama, vốn có lập trường mềm yếu và không tập trung vào Bắc Kinh.
Trong bài phát biểu tại Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ, ông Biden đã miêu tả 4 ưu tiên trong chính quyền của ông, trong đó có đối phó với dịch Covid-19 và thúc đẩy sự bình đẳng về sắc tộc. Việc đối phó với Trung Quốc, một vấn đề đặc biệt được nhiều nước châu Á quan tâm, lại không hề nằm trong danh sách này.
Việc ông Biden không nhắc đến vấn đề quan trọng trên đã khiến giới chức Tokyo lưu tâm. Một quan chức giấu tên trong Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã viết một bài báo hồi tháng 4 với tiêu đề "The Virtues of a Confrontational China Strategy" (tạm dịch là Những ưu điểm của chiến lược đối đầu với Trung Quốc), trong đó bình luận, chính sách với Trung Quốc dưới thời Tổng thống Obama có "nhiệm vụ ưu tiên là luôn hợp tác với Trung Quốc", chứ không phải là cạnh tranh. Tác giả bài viết này cũng cho rằng, các chính sách của Tổng thống Trump dù không hoàn hảo nhưng hướng tiếp cận cứng rắn hơn của ông với Bắc Kinh đã được hoan nghênh".
"Liệu chúng ta có muốn quay lại thời điểm trước khi ông Trump là Tổng thống hay không? Với nhiều nhà chính sách ở Tokyo, câu trả lời có lẽ là không, bởi chiến lược về cơ bản là đúng đắn nhưng chưa được thực hiện hiệu quả dưới thời Tổng thống Trump tốt hơn so với chính sách mơ hồ nhưng được thực hiện rầm rộ dưới thời Tổng thống Obama".
Nói một cách khách quan, tác giả giấu tên của bài báo trên chỉ đại diện cho một luồng ý kiến ở Tokyo. Tuy nhiên, việc công khai một bài viết như vậy gần như chắc chắn cần sự cho phép chính thức từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản, vốn phản ánh quan điểm của nhiều quan chức cấp cao nước này.
Theo nhà quan sát James Crabtree nhận định trên Foreign Policy, các quan chức cấp cao và các nhà phân tích chính sách đối ngoại Nhật Bản dường như ngày càng lạc quan vào những triển vọng đạt được nếu Tổng thống Trump có thêm một nhiệm kỳ nữa. Trái lại, sự đắc cử của ông Biden lại khiến họ lo ngại về nguy cơ Mỹ quay lại chính sách vốn thiếu sự sẵn sàng và thiếu quyết đoán trong việc đối phó cũng như kiềm chế quyền lực của Trung Quốc.
Lập trường tương tự cũng được thể hiện ở Ấn Độ. Phát biểu hồi năm ngoái, Ngoại trưởng nước này Subrahmanyam Jaishankar đã lên tiếng phản đối những người cho rằng Tổng thống Trump đang phá hủy mối quan hệ với Ấn Độ.
"Những điều tôi chứng kiến ở Tổng thống Trump trong 2 - 3 năm qua hoàn toàn không giống với hệ thống truyền thống của Mỹ. Ông ấy thực sự có những bước đi quyết đoán và mạnh mẽ trong một loạt lĩnh vực".
Giữa bối cảnh mối quan hệ Ấn - Trung ngày càng lao dốc, New Delhi đang đánh giá cao chính sách chống Trung Quốc của Tổng thống Trump.
Theo lập trường từ phía Ấn Độ, việc ông Biden trở thành Tổng thống có thể làm phức tạp vị thế chiến lược của Ấn Độ, do cựu Phó Tổng thống Mỹ ít đối đầu với Trung Quốc hơn, đồng thời có thể chấm dứt thái độ hòa hoãn hơn với Nga của Tổng thống Trump.
"Căng thẳng mới trong quan hệ Nga - Mỹ và sự hòa hợp hơn của mối quan hệ Mỹ - Trung dưới thời ông Biden sẽ khiến mối quan hệ với các nước lớn của Ấn Độ trở nên phức tạp hơn", nhà phân tích chính sách đối ngoại Raja Mohan bình luận.
Dù vậy, nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Trump có thể gây ra sự tổn thất đáng kể trong khu vực, từ các chính sách thương mại tới các liên minh của Mỹ, cũng như làm dấy lên nguy cơ về một cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc. Nhiều nước trong khu vực rõ ràng sẽ hoan nghênh các chính sách ngoại giao ít đối đầu hơn của Mỹ và hy vọng vào một thời kỳ thích ứng mới.
"Hai quốc gia này (Mỹ - Trung Quốc) phải xây dựng một bản thỏa hiệp tạm thời nhằm cạnh tranh trong một số lĩnh vực nhưng không khiến cho sự đối đầu đó làm tổn hại đến sự hợp tác với nhau", Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đánh giá.
Ông Biden đã “rất khác” so với khi còn là Phó Tổng thống Mỹ
Dù chỉ trích chiến lược đối đầu với Trung Quốc của Tổng thống Trump, bác bỏ khái niệm "Chiến tranh Lạnh mới" do sự phụ thuộc lẫn nhau của 2 nền kinh tế và nhận thức được nhu cầu hợp tác với Bắc Kinh nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu như đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, nhưng ông Biden đã có thái độ ngày càng hoài nghi với Trung Quốc hơn so với thời ông còn là Phó Tổng thống Mỹ.
Trên thực tế, trong nỗ lực đánh bại ông Trump, chiến dịch của ông Biden đã giữ quan điểm tương tự so với chính quyền hiện nay về một loạt vấn đề liên quan đến Trung Quốc, chẳng hạn cam kết kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong những ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo và công nghệ không dây 5G, hoặc thậm chí khẳng định sẽ không thu hồi các biện pháp thuế quan cứng rắn của Tổng thống Trump với hàng hóa Trung Quốc.
"Tôi nghĩ có một sự công nhận rộng rãi trong đảng Dân chủ rằng Tổng thống Trump đã đúng khi đánh giá về các hành vi "săn mồi" của Trung Quốc", cố vấn chiến dịch của ông Biden Kurt Campbell, đồng thời là cựu quan chức phụ trách khu vực châu Á trong Bộ Ngoại giao dưới thời Tổng thống Obama nhận định với Wall Journal Street.
Ngoài ra, cựu Phó Tổng thống Mỹ cũng chỉ trích Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc tranh luận Tổng thống của đảng Dân chủ hồi đầu năm nay. Giống như hầu hết giới lãnh đạo ở Mỹ, ông Biden từ lâu đã đưa ra quan điểm rằng, Trung Quốc phải thay đổi và Mỹ phải cạnh tranh với đối thủ châu Á này.
Anthony Blinken, một trong những cố vấn cấp cao của ông Biden cho biết, nếu trở thành Tổng thống, ứng viên đảng Dân chủ sẽ coi trọng vai trò của ASEAN trong việc giải quyết các thách thức như biến đổi khí hậu và sức khỏe toàn cầu.
"Tổng thống Biden sẽ xuất hiện và tham gia cùng ASEAN trong những vấn đề quan trọng".
Tuy nhiên, thậm chí cả khi ông Biden và đội ngũ của ông có "giọng điệu" cứng rắn hơn với Trung Quốc thì họ vẫn phải đối mặt với tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Cứng rắn với Trung Quốc đồng nghĩa với việc ông Biden đang tạo ra xung đột với chính những ưu tiên của mình, rõ ràng nhất là vấn đề biến đổi khí hậu.
"Mỹ cần cứng rắn với Trung Quốc. Cách hiệu quả nhất để đối phó với thách thức này là xây dựng một liên minh thống nhất bao gồm các đối tác và đồng minh của chúng ta nhằm xử lý các hành vi xâm phạm của Trung Quốc, thậm chí cả khi chúng ta vẫn tìm cách hợp tác với Bắc Kinh trong những khía cạnh giao thoa về lợi ích như biến đổi khí hậu".
Với những nhà quan sát có lập trường giống ông Kausikan, việc ông Biden phải cân bằng những vấn đề như trên có thể khiến ông phải quay lại điều mà họ cho là "sự nhập nhằng trong các mục tiêu ưu tiên" như dưới thời Tổng thống Obama.
Dù vậy, "bất kể ai là người chiến thắng, chính sách của Mỹ với Trung Quốc sẽ cứng rắn hơn trong 5 năm tới so với 5 năm qua. Trung Quốc đã thay đổi và suy nghĩ của Mỹ về Trung Quốc cũng thay đổi", Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Quốc tế nhận định./.