Vì sao mức độ cuộc xung đột Nga và Ukraine lại bị đẩy lên cao?
VOV.VN - Sở dĩ cuộc xung đột Nga và Ukraine bị đẩy lên cao vì các bên đều muốn giành lợi thế trên chiến trường để tạo lợi thế trên bàn đàm phán, trong bối cảnh ông Donald Trump cả khi vận động tranh cử và khi đắc cử đều nhiều lần tuyên bố sẽ đưa các bên liên quan trở lại bàn đàm phán.
BTV Thúy Ngọc: Thưa chị, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine trong năm 2024 diễn biến quyết liệt hơn so với năm 2023 (biểu hiện Ukraine tấn công sang lãnh thổ Nga, phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tấn công vào lãnh thổ Nga...) Theo chị, vì sao mức độ cuộc xung đột lại bị đẩy cao lên như vậy?
BTV Thu Hà: Cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina trong năm 2024 diễn biến hết sức quyết liệt. Ucraina thường xuyên sử dụng máy bay không người lái (UAV) tấn công vào các vùng lãnh thổ của Nga, đặc biệt là tấn công và chiếm giữ một phần tỉnh Kursk thuộc Nga. Cuộc xung đột bị đẩy đến mức nguy hiểm, với việc Ucraina sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây tấn công vào lãnh thổ của Nga. Trong khi đó, Nga đẩy mạnh tấn công tại miền Đông Ucraina, sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung siêu vượt âm Oreshnik tấn công cơ sở hạ tầng, căn cứ quân sự, cơ sở năng lượng của Ucraina, thông qua Học thuyết hạt nhân sửa đổi, trong đó mở rộng diện sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả các cuộc tấn công, kể cả tấn công thông thường, được hỗ trợ bởi phương Tây.
Sở dĩ cuộc xung đột bị đẩy lên cao vì các bên đều muốn giành lợi thế trên chiến trường để tạo lợi thế trên bàn đàm phán, trong bối cảnh ông Donald Trump, cả khi vận động tranh cử và khi đắc cử đều nhiều lần tuyên bố sẽ đưa các bên liên quan trở lại bàn đàm phán. Việc Ucraina tiến hành tấn công vào khu vực Kursk, nhằm mục đích buộc Nga phải phân tán, rút bớt một số đơn vị khỏi tiền tuyến ở Ucraina, giảm áp lực cho binh lính Ucraina ở khu vực miền Đông. Ngoài ra, Ucraina chiếm và giữ một bộ phận lãnh thổ của Nga, nhằm mặc cả trong đàm phán ngoại giao, vì Ucraina không chắc chắn với việc Mỹ duy trì viện trợ cho nước này trong bối cảnh ông Donald Trump nhiều lần tuyên bố sẽ giảm viện trợ cho Ucraina. Ucraina cũng mong muốn có một chiến thắng để kêu gọi thêm sự hỗ trợ, ủng hộ từ các nước phương Tây.
Trong bối cảnh ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Ucraina lo ngại sẽ bị thất thế, phải đàm phán trên thế yếu nên đã đẩy mạnh vận động chính quyền Biden và chính quyền một số nước phương Tây cho phép sử dụng vũ khí tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga. Trong khi đó, với tiềm lực và sức mạnh của mình, Nga vẫn tiếp tục thể hiện lập trường cứng rắn, khẳng định tiếp tục thực hiện các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ucraina. Nga cũng đẩy mạnh tấn công ở khu vực miền Đông, chiếm giữ thêm các phần lãnh thổ ở khu vực này, nhằm tạo lợi thế trên bàn đàm phán trong tương lai.
BTV Thúy Ngọc: Sau gần 3 năm, cuộc xung đột đã tiêu hao nguồn lực rất lớn của cả hai bên. Đến thời điểm này, tác động của cuộc xung đột kéo dài đang ảnh hưởng tới Nga và Ukraine như thế nào, nhất là về kinh tế?
BTV Thu Hà: Sau gần 3 năm, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã để lại những hậu quả sâu sắc và lâu dài, đặc biệt là về kinh tế đối với cả hai quốc gia. Mức độ tàn phá là chưa từng có tiền lệ - nhiều thành phố, thị trấn và làng mạc tan hoang, số người tử vong liên tục tăng. Giới chuyên gia dự báo cả Nga và Ukraine sẽ phải mất nhiều năm nữa mới hồi phục được sau những thiệt hại về tài chính.
Cùng với những tổn thất nặng nề về sinh lực, sau gần 3 năm xung đột, cả 2 nước đã phải chịu những thiệt hại khổng lồ về mặt kinh tế. Theo một ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) vào cuối năm 2023, thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng của Ukraine là 152 tỷ USD. Ngân hàng Thế giới và chính phủ Ukraine ước tính tổng chi phí tái thiết cho đất nước Ukraine là 486 tỷ USD - con số này cao gấp 2,8 lần GDP (tổng sản phẩm nội địa) danh nghĩa của Ukraine.
Cuộc xung đột đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho cơ sở hạ tầng của Ukraine, bao gồm các nhà máy, đường xá, cầu cống và các công trình dân sự. Hoạt động sản xuất của Ukraine bị gián đoạn nghiêm trọng, đặc biệt là các ngành công nghiệp nặng và nông nghiệp. Chính phủ Ukraine phải đối mặt với áp lực lớn trong việc tài trợ cho công cuộc tái thiết và phục hồi đất nước. Thêm vào đó, Ukraine phụ thuộc rất lớn vào viện trợ tài chính và quân sự từ các quốc gia đồng minh để duy trì cuộc chiến và phục hồi kinh tế. Bà Roksolana Pidlasa - người đứng đầu Ủy ban ngân sách của quốc hội Ukraine, cho biết, Ukraine mất hơn 140 triệu USD cho mỗi ngày xung đột với Nga.
Trong khi đó, theo trang web về các vấn đề quân sự BulgarianMilitary.com, cuộc xung đột Nga và Ukraine đã khiến Nga thiệt hại khoảng 320 triệu USD mỗi ngày.
Các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây khiến Nga bị cô lập khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, gây khó khăn cho việc giao dịch, đầu tư và tiếp cận công nghệ hiện đại, và dẫn tới sự sụt giảm xuất khẩu của Nga. Riêng năm 2023, xuất khẩu của Nga giảm 28%, từ mức 588 tỷ USD xuống còn 425 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của nước này sang châu Âu giảm tới 68%, xuống còn 84 tỷ USD. Kinh tế Nga đã trải qua giai đoạn suy giảm đáng kể do việc giảm xuất khẩu năng lượng, mất thị trường truyền thống và chi tiêu quân sự tăng cao. Thêm vào đó, áp lực lạm phát gia tăng do gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu hụt hàng hóa và các biện pháp kiểm soát giá. Tiếp theo là nợ công của Nga tăng lên đáng kể do chi tiêu quốc phòng tăng và thu nhập giảm. Cuộc xung đột cũng buộc Nga phải điều chỉnh cấu trúc kinh tế để thích nghi với tình hình mới, tập trung vào các ngành công nghiệp nội địa và giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng.
BTV Thúy Ngọc: Bước sang năm 2025, dự kiến những yếu tố nào sẽ ảnh hưởng đến chiều hướng cuộc xung đột này, trong đó có nhân tố Mỹ dưới thời ông Donanl Trump?
BTV Thu Hà: Trong năm 2025, chiều hướng của cuộc xung đột Nga với Ucraina phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó nhân tố Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đóng vai trò quan trọng. Lập trường, động thái của chính quyền Donald Trump sẽ tác động lớn đến việc định hình cục diện chiến sự. Việc điều chỉnh chính sách của Mỹ theo hướng cắt giảm hỗ trợ kinh phí và vũ khí cho Ucraina, thúc đẩy đàm phán hòa bình có thể góp phần hạ nhiệt cuộc xung đột và đưa các bên liên quan trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, chính sách đối với cuộc xung đột của Tổng thống Donald Trump nhiều khả năng sẽ vấp phải ý kiến phản đối của đảng Dân chủ, cũng như các thành viên theo đường lối cứng rắn với Nga của đảng Cộng hòa, cùng những lợi ích đan xen phức tạp về nguồn thu từ vũ khí, lợi ích từ bán khí hóa lỏng cho châu Âu.
Một nhân tố khác tác động đến cuộc xung đột, đó là lập trường của EU và NATO. Lập trường của các nước EU, NATO cứng rắn hay ôn hoà hơn, tiếp tục duy trì cung cấp vũ khí, kinh phí cho Ucraina, hay cắt giảm bớt hỗ trợ sẽ tác động rất lớn đến tinh thần chiến đấu của Ucraina, trong bối cảnh nhiều khả năng chính quyền Donald Trump sẽ cắt giảm hỗ trợ Ucraina.
Cuộc xung đột Nga - Ucraina kéo dài, tác động tiêu cực đến đại bộ phận người dân trên thế giới, do đó dư luận hy vọng rằng, thời gian tới, các nước trên thế giới, trong đó có chính quyền Donald Trump thúc đẩy các bên liên quan nhanh chóng quay trở lại bàn đàm phán, để tìm kiếm giải pháp giải quyết cuộc xung đột.