Việc Mỹ do thám đồng minh là “không thể chấp nhận được”
VOV.VN - Các bộ trưởng Israel đã tuyên bố như trên tại cuộc họp Nội các Israel ở Jerusalem, ngày 22/12.
Tuy nhiên, Israel đánh giá thấp tầm quan trọng của những thông tin Anh và Mỹ đã thu thập được, đồng thời cho rằng đây sẽ không phải là vấn đề gây ảnh hưởng tới quan hệ giữa Nhà nước Do thái với các đồng minh phương Tây.
Các Bộ trưởng của Israel không lấy làm bất ngờ trước những cáo buộc cho rằng Mỹ và Anh do thám giới lãnh đạo của nước này.
Thủ tướng Israel Netanyahu (trái) bất đồng với Tổng thống Obama (phải) về chương trình do thám của Mỹ với các đồng mình của mình, trong đó có Israel (Ảnh AFP) |
Bộ trưởng các vấn đề chiến lược Israel Yuval Steinitz nhấn mạnh, không thể chấp nhận được giữa các đồng minh lại có sự do thám nhau. Ông cho biết, Israel đã có những biện pháp đề phòng cần thiết và hiệu quả trước những hoạt động do thám từ nước ngoài.
Bộ trưởng Steinitz vẫn nhấn mạnh mối quan hệ tình báo chặt chẽ giữa Israel với Anh và Mỹ, cho rằng bê bối nghe lén này có thể được giải quyết mà không cần phải làm to chuyện.
Ông Steinitz nói: “Chúng tôi không theo dõi Tổng thống hay Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và chúng tôi cũng hy vọng hành động tương tự từ Mỹ. Tôi tin tưởng rằng, chúng tôi có cách giải quyết vấn đề. Các cơ quan an ninh và tình báo của các nước cần giữ quan hệ hợp tác và không do thám lẫn nhau”.
Theo những tài liệu do cựu nhân viên Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ, thư điện tử của Thủ tướng Israel và các quan chức quốc phòng cấp cao đã nằm trong danh sách theo dõi của Mỹ và Anh từ năm 2009.
Theo đó, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) và Cơ quan Tình báo chính phủ Anh (GCHQ) đã do thám thông tin liên lạc của cựu Thủ tướng Ehud Olmert khi ông này còn đương nhiệm vào tháng 01/2009.
Ngoài ra, NSA còn theo dõi thư điện tử trao đổi giữa Bộ trưởng Quốc phòng Israel khi đó là Ehud Barak và Chánh văn phòng của ông này. Nhiều Bộ trưởng của Israel đã yêu cầu Mỹ phải thừa nhận hành động do thám sai trái và ngừng ngay các chương trình nhằm vào Israel.
Trong khi đó, với nỗ lực nhằm cân bằng những dư luận trái chiều xung quanh chương trình do thám của NSA, Mỹ sẽ kiểm tra một số yếu tố liên quan đến cơ quan này, song khẳng định không thể đơn phương giải thể hệ thống do thám.
Trả lời trong cuộc họp báo cuối năm tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama cho biết trong những tuần tới, ông sẽ tham vấn những đề xuất của Hội đồng Cố vấn Tổng thống về cách thức kiểm soát NSA sau những tiết lộ của cựu nhân viên CIA Snowden làm rúng động thế giới trong năm qua.
Ảnh hưởng từ vụ bê bối nghe lén của Mỹ chưa thể dừng lại, đặc biệt khi có thêm nhiều đồng minh thân cận của Mỹ có tên trong danh sách theo dõi.
Mỹ đã phải thừa nhận chương trình nghe lén làm gia tăng căng thẳng chưa từng có giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu. Chính phủ Mỹ thậm chí cho rằng, có thể chương trình giám sát này đã đi quá xa.
Dù có biện minh thế nào, làn sóng phản đối chương trình do thám bí mật của NSA từ trong nước và nước ngoài tiếp tục gia tăng, làm dấy lên "sóng gió" ngoại giao chưa từng có trong mối quan hệ giữa Mỹ với thế giới./.