“Vũ khí mới” hứa hẹn làm thay đổi cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu
VOV.VN - Cuộc chiến trên toàn cầu nhằm chống lại dịch bệnh Covid-19 đang bước sang một giai đoạn mới khi xuất hiện một “vũ khí” hứa hẹn làm thay đổi cuộc chơi: thuốc kháng virus.
Tuy nhiên vẫn còn những câu hỏi về việc liệu phương pháp điều trị tiên tiến này có thực sự hiệu quả hay không và nó sẽ có tác động ra sao tới đại dịch Covid-19.
“Vũ khí” làm thay đổi cuộc chiến chống Covid-19
Thế giới đang phát triển hàng trăm phương pháp điều trị Covid-19, nhưng trong những tuần gần đây, các hãng dược phẩm lớn đã công bố kết quả đầy hứa hẹn đối với 2 loại thuốc uống, mở đường cho việc sử dụng rộng rãi thời gian tới. Hồi đầu tháng 11, một loại thuốc của công ty dược phẩm Merck (Mỹ) đã trở thành thuốc uống đầu tiên được cấp phép sử dụng để điều trị Covid-19 sau khi Anh khuyến nghị dùng cho những người mắc bệnh từ nhẹ đến trung bình hoặc có yếu tố khiến bệnh trở nặng.
Việc bật đèn xanh cho loại thuốc có tên Molnupiravir (nhãn hiệu Lagevrio) mà Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics cho biết làm giảm 50% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong đối với bệnh nhân mắc Covid-19, diễn ra vài ngày trước khi hãng dược Pfizer Inc tuyên bố điều chế thành công thuốc điều trị Covid-19 có tên Paxlovid.
Theo Pfizer, loại thuốc này làm giảm 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong đối với người trưởng thành mắc Covid-19. Tuy vậy kết quả thử nghiệm lâm sàng hoặc đánh giá chi tiết về hai loại thuốc nói trên vẫn chưa được công bố. Hiện Merck và Pfizer đang xin cấp phép tại Mỹ, với kế hoạch sớm đưa vào sử dụng rộng rãi các loại thuốc này trên toàn cầu.
Các chuyên gia y tế cho rằng, việc ra đời của thuốc viên điều trị Covid-19 có thể giúp các nước gia tăng đáng kể khả năng sống chung với dịch bệnh, đặc biệt là khi kết hợp với tỷ lệ tiêm chủng cao. Tiêm phòng vẫn được coi là cách tốt nhất để đẩy lùi dịch bệnh, dù các chuyên gia cho rằng những biện pháp bảo vệ khác như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội luôn đóng vai trò quan trọng.
Tuy vậy, triển vọng đẩy lùi dịch bệnh vẫn phụ thuộc vào việc liệu những loại thuốc này có thực sự hiệu quả một khi đưa vào sử dụng rộng rãi hay không. Giáo sư Sanjaya Senanayake, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Đại học Quốc gia Australia cho biết: “Do chúng ta phải sống chung lâu dài với Covid-19 nên việc có những loại thuốc này rất quan trọng. Chúng có thể bổ sung vào kho "vũ khí" chống virus SARS-CoV-2 của chúng ta”.
Ông lưu ý, điều đó đặc biệt có lợi cho những người không thể hoặc không muốn tiêm vaccine hay những người bị mắc Covid-19 “đột phá” (tức là tình trạng nhiễm virus SARS-CoV-2 ở người đã được tiêm phòng).
“Nếu cung cấp những loại thuốc này cho những người có nguy cơ cao mắc Covid-19 thì điều đó sẽ giúp họ không phải nhập viện, khiến cuộc sống của chúng ta dễ chịu hơn rất nhiều”, chuyên gia này cho biết, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải giữ cho các bệnh viện không bị quá tải.
Theo giới chuyên gia, các loại thuốc của Merck và Pfizer cũng có thể được sử dụng cho những người từng phơi nhiễm với virus như một biện pháp phòng ngừa. Ashley Brown, phó giáo sư tại Viện Đổi mới Trị liệu thuộc Đại học Y khoa Florida cho rằng, thuốc kháng virus có thể “làm thay đổi cuộc chơi”: “Các loại thuốc uống có thể được sử dụng cho nhiều người bình thường, không giống như remdesivir (thuốc tiêm tĩnh mạch) chỉ được dùng khi bạn phải nhập viện và đáp ứng được những tiêu chí nhất định”.
Hơn nữa, thuốc uống có thể được dùng trong quá trình mắc bệnh, hoặc sau khi tiếp xúc với nguồn lây nhiễm để ngăn chặn bệnh tình diễn biến nặng hoặc ngăn khả năng lây lan virus về sau, bà Ashley Brown lưu ý.
Vẫn còn nhiều hoài nghi
Tuy nhiên, việc phân phối sớm cho người bị phơi nhiễm virus hay người mắc bệnh phụ thuộc vào khả năng của một quốc gia trong việc xét nghiệm nhanh chóng và truy vết tiếp xúc, liên lạc. Bên cạnh đó, vẫn chưa rõ hiệu quả của chúng ra sao nếu được sử dụng muộn trong quá trình mắc bệnh.
Một mối quan tâm khác là liệu virus SARS-CoV-2 có phát triển khả năng kháng thuốc hay không. Vấn đề này từng gây đau đầu các chuyên gia y tế khi phát triển phác đồ điều trị cho những căn bệnh như HIV/AIDS. Nhiều ý kiến cho rằng, quan trọng là phải theo dõi chặt chẽ quá trình điều trị và tiếp tục phát triển những loại thuốc mới có thể được sử dụng phối hợp với các thuốc hiện có để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc.
Giáo sư Ashley Brown nhận xét, các loại thuốc cùng nhóm với thuốc viên điều trị Covid-19 Molnupiravir của Merck có khả năng ngăn chặn nguy cơ kháng thuốc cao hơn. Tuy nhiên, nhà khoa học người Mỹ William Haseltine đã đặt câu hỏi, với tác dụng phá vỡ sự nhân lên của virus, liệu loại thuốc này có thể vô tình làm phát sinh các biến thể nguy hiểm hơn của virus hay không.
“Không thể loại trừ trường hợp Molnupiravir có thể tạo ra các đột biến trên mọi gen và protein của virus, trong đó có cả gai protein vốn được dùng để liên kết với tế bào của con người, trong khi không tiêu diệt được virus này”, ông William Haseltine viết trong một bài bình luận trên tạp chí Forbes. Song nhiều ý kiến coi đây là rủi ro mang tính lý thuyết và không đủ khả năng để ngăn việc sử dụng một loại thuốc nhiều triển vọng như vậy.
Chuyên gia Brown thì cho rằng, khả năng thuốc điều trị Covid-19 làm xuất hiện một biến chủng nguy hiểm hơn rất khó xảy ra. Bà giải thích, thuốc hoạt động bằng cách can thiệp vào bộ gen của virus khiến bộ gen này bị lỗi và không thể sao chép hay tái tạo được. Ngay cả khi xuất hiện chủng đột biến thì khả năng chúng trở nên nguy hiểm hơn so với các chủng cũ là điều “đáng nghi ngờ”. Song cần phải tiến hành theo dõi thêm để xem liệu thuốc có can thiệp vào ADN của người hay không.
Ông Alejandro Chavez, chuyên gia về bệnh lý học và sinh học tế bào tại Đại học Columbia ở New York nhấn mạnh, dù chưa thể đánh giá chính xác tác động của thuốc đối với sự tiến hóa của virus trong thời gian dài, nhưng trước mắt nó có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự nhân lên của virus. Ông lưu ý, nếu các loại thuốc này có thể giúp kiểm soát dịch bệnh thì điều đó sẽ làm giảm sự xuất hiện các biến thể mới của SARS-CoV-2 và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm từ người sang người./.
* Loạt bài/bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQCP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.