Vụ sát hại đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ: Hé lộ nhiều tình tiết bất ngờ
VOV.VN - Hiện cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ và các cơ quan liên quan vẫn tiếp tục công việc điều tra và chưa đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc.
Vụ Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn ngay trước ống kính camera gây chấn động dư luận xảy ra trong thời điểm nhạy cảm, khi quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ vừa nồng ấm trở lại được cho là có thể “hủy hoại quan hệ hai nước”. Đây cũng là hồi chuông báo động về lỗ hổng an ninh đang gióng lên khẩn thiết ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cảnh sát Thổ Nhĩ kỳ ngày 21/12 đã công bố nhiều tình tiết mới liên quan đến cuộc điều tra vụ ám sát này.
Cảnh sát Thổ Nhĩ kỳ đã công bố nhiều tình tiết mới liên quan đến cuộc điều tra vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrey Karlov. (Ảnh: Reuters)
Việc đối tượng Mevlut Mert Altintas, 22 tuổi, từng là sĩ quan cảnh sát chống bạo động ở Thổ Nhĩ Kỳ đột nhập vào tận nơi các nhà ngoại giao có mặt để "ra tay" sát hại Đại sứ Nga Andrey Karlov cho thấy tính chất nghiêm trọng của vấn đề.
Theo thông tin liên quan cuộc điều tra do cảnh sát công bố, trước hôm xảy ra án mạng khoảng 5 ngày, đối tượng đã thuê một phòng khách sạn gần nơi tổ chức triển lãm để lên kế hoạch tấn công. Qua khám xét phòng khách sạn của Altintas, cơ quan điều tra phát hiện một số tài liệu về tổ chức khủng bố Al-Qaeda cùng các dấu vết liên quan tới phong trào của giáo sỹ Gulen.
Một chi tiết đặc biệt nữa được tờ nhật báo Sozcu của Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ cho rằng, Altintas từng có mặt tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại, địa điểm diễn ra buổi triển lãm có lẽ để thăm dò. Những điều tra ngược về cuộc đảo chính hồi tháng 7 cũng đưa ra một chi tiết đáng lưu ý khi Altintas đã vắng mặt trước đó 2 ngày dù toàn bộ lực lượng đã được gọi đến làm nhiệm vụ hôm 15/7.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết: “Tất cả bằng chứng thu được từ nơi đối tượng được huấn luyện và đào tạo tới những mối liên hệ khác cho thấy rõ đối tượng có sự liên kết với các thành viên ở nước ngoài. Hiện giờ, cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ và các cơ quan khác tiếp tục công việc điều tra. Chúng tôi sẽ thông báo kết quả sau khi hoàn tất quá trình này”.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã thắt chặt an ninh tại đại sứ quán Nga ở thủ đô Ankara, tạm giữ khoảng chục người, bao gồm gia đình của Altintas, để phục vụ cuộc điều tra vụ ám sát và mối liên hệ giữa những người này với ông Gulen. Tuy nhiên, giáo sĩ Gulen đã phủ nhận bất cứ mối liên hệ nào với cả vụ đảo chính lẫn vụ ám sát vừa qua.
Cũng trong ngày 21/12, nhóm phiến quân Jabhat Fatah al-Sham (trước đây là Mặt trận Al-Nusra), từng liên hệ với Al-Qaeda đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ sát hại Đại sứ Andrey Karlov.
Theo các nhà phân tích, quan hệ giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ có thể không dễ dàng đổ vỡ như mục tiêu của vụ tấn công mà dư luận hoài nghi, bởi nhà lãnh đạo cả hai nước đều khẳng định đây là một âm mưu gây chia rẽ "hèn hạ", cam kết sẽ hợp tác trong cuộc điều tra chống khủng bố và tiếp tục chiến lược hợp tác sâu rộng.
Tuy nhiên, vụ việc một lần nữa cho thấy bài toán an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ vô cùng hóc búa, khi nước này cùng lúc phải đối phó các mối đe dọa an ninh trong và ngoài nước.
Hiện nay ở trong nước, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực điều tra các nghi phạm liên quan đến âm mưu đảo chính bất thành ngày 15/7 vừa qua, cũng như truy quyét lực lượng người Kurd ly khai.
Đã có hơn 125.000 cảnh sát, binh sĩ, thẩm phán cùng nhân viên các cơ quan dân sự và giáo dục bị sa thải và hơn 4.000 người bị bắt giữ liên quan đến cuộc đảo chính.
Trong khi đó, là nước láng giềng của Syria, Thổ Nhĩ Kỳ từng tuyên bố không thể khoanh tay đứng nhìn tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoành hành, đe dọa an ninh quốc gia và khu vực, do đó cùng với việc tham gia liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động chiến dịch quân sự mang tên là chắn Euphrates tiêu diệt IS.
Bất ổn về an ninh và chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo theo một loạt hệ lụy về kinh tế. Sau vụ ám sát đại sứ Nga, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua có lúc mất giá 0,6%, xuống 3,526 lira đổi 1 USD. Xét riêng trong năm nay, nội tệ Thổ Nhĩ Kỳ đã mất gần 20% giá trị so với đồng USD. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu giảm kể từ năm 2009, với 1,8%. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại nếu bất ổn tiếp tục kéo dài, dòng vốn sẽ tháo chạy khỏi nước này và khiến nền kinh tế lung lay./.