Vương quốc Anh cho phép khai thác mỏ dầu ở Biển Bắc
VOV.VN - Cơ quan quản lý dầu khí của Anh, ngày 27/9 đã cấp giấy phép khai thác và sản xuất cho một mỏ dầu nằm ngoài khơi Biển Bắc. Quyết định này đã vấp phải sự phản đối từ các nhà bảo vệ môi trường.
Mỏ dầu được khai thác có tên là Rosebank, nằm ngoài khơi bờ biển Shetland, ở Biển Bắc, phía trên Scotland. Mỏ dầu khí này hiện chưa được khai thác rộng rãi, với tiềm năng sản xuất 500 triệu thùng dầu.
Đại bộ phận mỏ dầu thuộc sở hữu của công ty năng lượng nhà nước Na Uy Equinor. Bà Claire Coutinho, Bộ trưởng An ninh Năng lượng của Vương quốc Anh, cho biết Rosebank sẽ tạo việc làm và giúp Vương quốc Anh giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu khí.
“Trước tiên, khí đốt khai thác sẽ được sử dụng trong nước như kế hoạch đề ra. Về các sản lượng dầu, chúng sẽ được xuất khẩu, nhưng nhìn chung, Vương quốc Anh là nước nhập khẩu ròng dầu. Thế nên số dầu khai thác được sẽ nhập trở lại Anh. Tôi nghĩ quyết định này là một điều quan trọng với nước Anh. Điều đó tốt cho an ninh năng lượng, tốt cho việc làm và đầu tư ở đất nước này. Nhìn chung, điều đó có nghĩa là lượng khí thải thấp hơn”, bà Coutinho nói.
Theo dự kiến, mỏ dầu Rosebank sẽ được vận hành bởi 2 công ty Equinor của Na Uy và công ty Ithaca của Anh với số vốn đầu tư được công bố rơi vào khoảng 3,8 tỷ USD. Việc khai thác có thể bắt đầu vào năm 2026.
Anh đưa ra tuyên bố trên sau khi Thủ tướng Rishi Sunak tạm thời lùi lại các kế hoạch quốc gia liên quan đến những cam kết về khí hậu nhằm đạt mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Quyết định này ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối của các nhà các nhà bảo vệ môi trường. Một cuộc biểu tình tự phát đã diễn ra vào ngày 27/9 trước Bộ Năng lượng ở London. Họ kêu gọi chính phủ ngừng phát triển Rosebank, nói rằng dự án này đi ngược lại kế hoạch hướng tới một nền kinh tế có phát thải ròng bằng 0.
Tuy nhiên trước đó, Thủ tướng Sunak đã đưa ra quan điểm ủng hộ khai thác dầu khí ở Biển Bắc vào tháng 7, cho rằng Anh cần nhiên liệu hóa thạch mới trong nước để cải thiện an ninh năng lượng và dầu khí vẫn sẽ có trong cơ cấu năng lượng của nước này, ngay cả đến năm 2050.
Sản lượng dầu khí từ Biển Bắc của Anh hiện vẫn đang hỗ trợ 200.000 việc làm và dự kiến sẽ mang lại 50 tỷ bảng doanh thu thuế trong 5 năm tới cho chính phủ.