Xả súng ở Pháp: hé lộ chân dung thủ phạm
VOV.VN – Theo tuyên bố của IS, kẻ tấn công là một trong số các phần tử của tổ chức này có tên gọi Abu Yousif, người Bỉ.
Giới chức Pháp đang tích cực điều tra và thắt chặt an ninh sau khi xảy ra vụ xả súng nhằm vào nhân viên cảnh sát tại Đại lộ Champs Elysees (Paris) đêm 20/4 làm 1 cảnh sát thiệt mạng và hai người khác bị thương. Vụ tấn công đã làm dấy lên những lo ngại về âm mưu tấn công khủng bố trước thềm bầu cử, ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên tổng thống.
Ngoài lực lượng cảnh sát, các binh sĩ có vũ trang cũng được triển khai trên Đại lộ Champs Elysees sau vụ đấu súng. Ảnh: Reuters |
Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định có nhiều dấu hiệu cho thấy vụ tấn công liên hệ với khủng bố, đồng thời chỉ thị cho lực lượng an ninh đề cao cảnh giác trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Pháp vòng 1 sắp diễn ra.
Nhà lãnh đạo này thông báo sẽ triệu tập cuộc họp khẩn cấp Hội đồng quốc phòng với sự có mặt của các quan chức cấp cao an ninh, quốc phòng và tình báo để để bàn các biện pháp giải quyết vụ việc, ổn định tình hình.
Phát biểu với báo chí bên ngoài Điện Élysée, ông Hollande nói: “Chúng tôi chắc chắn rằng những bằng chứng đóng góp trong cuộc điều tra sẽ nhanh chóng phơi bày sự thật rằng có bàn tay của những kẻ khủng bố.”
“Tôi đã yêu cầu triệu tập cuộc họp của Hội đồng quốc phòng vào lúc 8h sáng ngày 21/4. Mọi thứ sẽ được thực hiện để đảm bảo lực lượng an ninh, cảnh sát và quân đội được điều động ở cấp độ cao nhất để giữ gìn an ninh, trật tự.” – ông Holland cho biết thêm.
Liên quan đến quá trình điều tra, người phát ngôn Bộ Nội vụ Pháp Pierre-Henry Brandet cho biết, vụ xả súng xảy ra vào lúc 21h tối qua (giờ địa phương). Lúc đó một chiếc ô tô đã đỗ cạnh chiếc xe của cảnh sát. Một người đàn ông từ trong ô tô ngay lập tức bước ra ngoài và nã súng vào ô tô của cảnh sát.
Loại vũ khí sử dụng trong vụ tấn công là vũ khí tự động. Theo vị quan chức này, mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố tại Pháp vẫn rất cao.
Trong khi đó hãng tin AFP cho biết, đối tượng trên đã tấn công những cảnh sát khác trên đường bỏ trốn. Hiện trường vụ tấn công đã được phong tỏa trong khi các ga tàu điện ngầm gần đó đều đóng cửa.
Còn theo công tố viên Paris, ông Francois Molins, danh tính của hung thủ đã được xác định, nhưng chưa thể tiết lộ cho đến khi các nhà điều tra xác định rõ liệu đối tượng có đồng phạm hay không.
Hãng tin Reuters đưa tin cảnh sát đã phát lệnh truy nã đối với nghi can thứ 2 trong vụ nổ súng tại Paris. Theo văn bản mà Reuters có được, đối tượng này đã từ Bỉ đến Pháp bằng tàu hỏa.
Cùng ngày, trang mạng Amaq của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cho biết tổ chức khủng bố này đã nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công nêu trên. Theo đó, kẻ tấn công là một trong số các phần tử của IS có tên gọi Abu Yousif, người Bỉ.
Ngay sau vụ tấn công, các ứng viên Tổng thống đã hủy bỏ hoạt động tranh cử. Ứng cử viên Francois Fillon cho biết sẽ hoãn chiến dịch tranh cử dự kiến vào ngày hôm nay (21/4). Phát biểu trong cuộc phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình, ông Fillon khẳng định cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố sẽ phải là ưu tiên hàng đầu của tổng thống kế nhiệm.
“Chúng ta phải đối mặt với hành động mà chúng ta hoàn toàn không thể dự đoán trước được, giống như hành động khủng bố vậy”, ông nói. “Các hành vi bạo lực dường như vẫn tồn tại đâu đó ở thủ đô Paris, gây ra nhiều hậu quả. Tôi sẽ hoãn chiến dịch tranh cử đã được lên kế hoạch trong ngày 21/4.”
Trong khi đó, bà Marin Le Pen, ứng cử viên đảng “Mặt trận nhân dân” đã chia buồn với lực lượng cảnh sát và viết trên trang Tweeter, “Thông cảm và ủng hộ lực lượng bảo vệ pháp luật của chúng ta, một lần nữa lại trở thành mục tiêu [khủng bố-ND]”.
Trong phản ứng đầu tiên của cộng đồng quốc tế, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ông Trump nhận định vụ việc này "dường như giống một vụ tấn công khủng bố ".
Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni cũng đã gửi lời chia buồn đến chính phủ và người dân Pháp.
Vụ tấn công nói trên xảy ra chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống vòng 1 tại Pháp và 2 ngày sau khi 2 đối tượng bị bắt giữ ở thành phố Marseille với âm mưu tấn công khủng bố.
Pháp hiện vẫn duy trì trình trạng khẩn cấp và mức cảnh báo nguy cơ khủng bố cao nhất sau hàng loạt vụ tấn công kể từ năm 2015, khiến hơn 230 người thiệt mạng./. Cận cảnh hiện trường vụ tấn công trên Đại lộ Champs Elysees (Pháp)