Xây dựng lòng tin- thông điệp tại cuộc đàm phán hòa bình về Syria
VOV.VN - Để đàm phán thành công, việc trước tiên Chính phủ Syria và phe đối lập cần làm chính là xây dựng lòng tin đối với nhau.
Thông điệp trên đã được cộng đồng quốc tế đưa ra trong phiên khai mạc vòng đàm phán hòa bình về Syria do Liên Hợp Quốc bảo trợ khai mạc ngày 23/2 tại Geneva, Thụy Sỹ.
Quang cảnh cuộc đàm phán tại Geneva về tình hình Syria. Ảnh: DPA
Phát biểu tại phiên khai mạc, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura đã không quên nhắc nhở Chính phủ Syria và lực lượng đối lập về điều này.
Theo ông Mistura, để đàm phán thành công, việc trước tiên các bên cần làm chính là xây dựng lòng tin đối với nhau. Thiếu lòng tin giữa các bên là một trong những cản trở chính đối với đàm phán.
Ông Mistura nhấn mạnh: “Chúng ta cần khắc ghi đến lợi ích của Syria và người dân Syria. Cùng nhau làm việc, đây không phải là điều dễ dàng gì nhưng hãy cố hòa hợp với nhau nhằm chấm dứt thù địch, đặt nền móng cho hòa bình, chủ quyền và sự toàn vẹn của đất nước”.
Ông Mistura cũng lưu ý sẽ không trông đợi những điều kỳ diệu trong vòng đàm phán lần này khi phải đối mặt với không ít nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Ông Mistura nhấn mạnh sẽ tiến hành các cuộc gặp song phương trong ngày 24/2 nhằm xây dựng cách thức và nội dung thương lượng cũng như lập ra một kế hoạch công tác cho đàm phán.
Diễn ra trong bối cảnh cục diện thế giới và chiến sự tại thực địa Syria đã có nhiều thay đổi, cuộc đàm phán lần này được kỳ vọng sẽ mang lại một kết quả thực chất hơn nhằm mang lại hòa bình cho Syria sau gần 7 năm nội chiến kéo dài.
Phát biểu trước báo giới, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói: “Trung Quốc mong rằng, dưới sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, Chính phủ Syria và lực lượng đối lập sẽ xóa bỏ bất đồng, xây dựng lòng tin nhằm giúp đàm phán mang lại kết quả tốt đẹp, giúp người dân Syria có được hòa bình trong thời gian sớm nhất”.
Theo kế hoạch, các cuộc đối thoại chính thức giữa Chính phủ Syria và phe đối lập sẽ bắt đầu trong ngày hôm nay, song việc hai bên đồng ý cùng ngồi lại với nhau đã là một tín hiệu tốt cho đàm phán ngay từ lúc đầu.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Alexei Borodavkin nói: “Tôi cho rằng, phương thức tối ưu nhất cho đàm phán chính là đàm phán trực tiếp. Tôi đã nói rắt nhiều lần rằng, các bên Syria cần đàm phán trực tiếp với nhau”.
Kể từ vòng đàm phán hòa bình gần nhất tháng 4/2016, vị thế của phe đối lập đã yếu đi đáng kể cả về mặt quân sự và ngoại giao. Quân đội Syria đã giành lại thành phố chiến lược Aleppo ở phía Bắc Syria, trong khi đó, Mỹ tuyên bố đang xem xét lại chính sách về Syria dưới thời của tân Tổng thống Donald Trump. Đây đều là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến đàm phán.
Theo đánh giá của giới phân tích, vấn đề mấu chốt của các vòng đàm phán hòa bình về Syria vẫn là tương lai chính trị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Trong khi phe đối lập yêu cầu ông al-Assad phải từ bỏ quyền lực trước khi thành lập một chính phủ chuyển tiếp, Chính phủ Syria lại kiên định với lập trường rằng số phận của ông al-Assad không thể được đưa ra thảo luận.
Đây là vấn đề khó nhượng bộ và thỏa hiệp giữa các phe phái đối địch tại Syria, trong bối cảnh xung đột và chiến tranh tại quốc gia Trung Đông này sắp bước sang năm thứ 7.
Bất ổn chính trị và an ninh đã khiến hơn 310.000 người thiệt mạng tại Syria, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán, kéo theo một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiệm trọng tại nước này./.
Mục tiêu của Nga là “ủng hộ chính quyền hợp pháp ở Syria”