Xung đột ở Ukraine sắp sang tháng thứ 6: Nỗ lực “giải cứu” nhà máy Zaporizhzhia
VOV.VN - Bất chấp những lo ngại ngày càng tăng về nguy cơ một thảm họa hạt nhân, đạn pháo vẫn tiếp tục dội xuống khu vực quanh Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, phía Đông Nam Ukraine.
Cùng với Liên Hợp Quốc, nhiều nỗ lực quốc tế đang được triển khai nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa Nga và Ukraine, cũng như thúc đẩy việc triển khai nhanh chóng các thanh sát viên quốc tế tới khu vực nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu này.
Trong cuộc điện đàm ngày hôm qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đảm bảo an toàn cho các cơ sở hạt nhân ở Ukraine, đồng thời kêu gọi kiềm chế những hành động quân sự xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, Zaporizhzhia những ngày qua đã trở thành tâm điểm của các cuộc giao tranh tại Ukraine. Trước đó hôm 19/8, văn phòng Tổng thống Pháp Macron khẳng định, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí để các thanh sát viên Cơ quan năng lượng quốc tế tới thăm khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Gần 6 tháng sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra, vấn đề bảo vệ Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hiện là ưu tiên cấp bách nhất. Hồi giữa tháng này, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức phiên họp khẩn cấp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng lên quan đến nhà máy, song không đạt kết quả cụ thể. Nga và Ukraine không ngừng đổ lỗi cho nhau phải chịu trách nhiệm.
Tổng giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế Rafel Grossi cảnh báo tình hình xung quanh nhà máy Zaporizhzhia là rất đáng quan ngại và các chuyên gia của IAEA cần phải được tiếp cận khu vực để đánh giá tình hình:
"IAEA đã sẵn sàng thực hiện một sứ mệnh như vậy ngay từ tháng 6 vừa qua. Nhưng thật đáng tiếc, do các yếu tố chính trị và những cân nhắc khác, điều đó đã không thể thực hiện được. Với những gì xảy ra trong hai tháng qua, chúng ta không thể để những yếu tố như vậy làm trì hoãn thêm nữa. Các hành động quân sự dù là nhỏ nhất cũng có thể gây nguy hiểm cho an toàn - an ninh hạt nhân và có thể dẫn chúng ta đến những hậu quả nghiêm trọng".
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng vừa có chuyến thăm lần thứ 2 tới Ukraine chỉ trong vòng 4 tháng qua nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột, cũng như đảm bảo an toàn cho các cơ sở hạt nhân tại nước này. Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres, bất kỳ hành vi gây hư hại nào đối với Nhà máy Zaporizhzhia đều sẽ là “tự sát”:
“Tôi vẫn quan tâm sâu sắc đến tình hình đang diễn ra xung quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Cơ sở này không được phép bị sử dụng như một phần của bất kỳ hoạt động quân sự nào. Một thỏa thuận khẩn cấp là cần thiết nhằm khôi phục hiện trạng của Zaporizhzhia là một cơ sở hạt nhân thuần túy vì mục đích dân sự, cũng như đảm bảo an toàn hạt nhân”.
Nằm tại khu vực sông Dnipro, Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu và là 1 trong 10 nhà máy lớn nhất thế giới, chiếm 1/4 sản lượng điện của Ukraine. Cơ sở này đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ tháng 3 vừa qua, nhưng vẫn được vận hành bởi các kỹ thuật viên của Công ty hạt nhân nhà nước Ukraine Energoatom. Các chuyên gia cảnh báo, dù nguy cơ một thảm họa như từng xảy ra năm 1986 tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl là khó xảy ra, song bất kỳ sự cố hạt nhân nào cũng sẽ gây ảnh hưởng không chỉ đến Ukraine, mà còn đến các quốc gia láng giềng, trong đó có Nga, Moldova, Belarus, Romania và Bulgaria/.