Bóng chuyền nữ VN: Bao giờ Huệ được… nghỉ hưu?
VOV.VN - Đó là một câu hỏi mà hầu hết những người hâm mộ bóng chuyền Việt Nam đặt ra khi mỗi lên chứng kiến ĐTQG thi đấu.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, hầu như không có nhiều sự thay đổi về các nhân sự chủ lực trong ĐTQG, những cái tên quen thuộc như Kim Huệ (31 tuổi), Hà Thị Hoa (29), Phạm Thị Yến (28) và Ngọc Hoa … vẫn lĩnh vai trò nòng cốt. Tại VTV Cup vừa qua, HLV Phạm Văn Long có triệu tập thêm 3 tay đập trẻ là Hà Ngọc Diễm (sinh năm 1994), Lê Thanh Thúy (1994) và Âu Hồng Nhung (1995). Tuy nhiên các VĐV này hầu như không được thử lửa, điển hình như Ngọc Diễm cũng chỉ được vào sân hơn 1 phút, may chăng chỉ có chủ công Âu Hồng Nhung là còn thỉnh thoảng được sử dụng.
Kim Huệ đã cống hiến rất nhiều cho bóng chuyền Việt Nam. |
Theo nhà báo Nguyễn Lưu, những gì mà các cô gái của ĐTVN cống hiến cho người hâm mộ tại giải đấu vừa rồi là đáng trân trọng. Nhưng ở đó vẫn có những nhược điểm cần phải khắc phục để có thể đưa bóng chuyền Việt Nam phát triển hơn nữa.
Thứ nhất, do quá chú trọng đến thành tích tại giải đấu mà HLV Phạm Văn Long chủ yếu sử dụng các “đàn chị” mà không đưa ra những tay đập trẻ để cọ xát. Điều này đi ngược lại với nhu cầu cần trẻ hóa đội tuyển. Chúng ta có những tài năng nhưng họ chỉ ngồi dự bị mà không được thử lửa thì những tài năng đó liệu tồn tại được bao lâu?
Thứ hai, rõ ràng về lối chơi, ĐTVN không có thêm nét gì mới đáng chú ý, khâu bắt bước một còn rất kém.
VTV Cup là giải đấu giao hữu nhằm chuẩn bị lực lượng cho các giải lớn mà cụ thể hơn là SEA Games vào cuối năm. Tại giải này, các đội bóng khách mời khác như Giang Tô, Sơn Đông (Trung Quốc), Thái Lan, Kazakhstan đều cử các cầu thủ trẻ, tuổi từ 16 đến 20 sang Việt Nam tranh tài và họ chơi khá đĩnh đạc.
Theo thống kê thì ĐT bóng chuyền Việt Nam có độ tuổi lớn nhất giải đấu, còn đối chiếu sang các đối thủ khác trong khu vực, tuyển Việt Nam có tuổi đời trung bình là 26,4; còn Indonesia chỉ là 21,3; Myanmar (24,2) và Philippines (22,3).
Yến, Huệ, Hoa… tất cả đều đáng yêu và những cống hiến của họ cho bóng chuyền Việt Nam là không thể phủ nhận. Bản thân Kim Huệ đã chia sẻ những lần không được gọi tập trung đội tuyển cô đều rất buồn và muốn cống hiến nhiều hơn nữa. Tuy nhiên trong bất cứ một lĩnh vực gì thì đều phải có sự kế thừa và sau cả chục năm cống hiến, lứa Kim Huệ, Hà Thị Hoa, Phạm Thị Yến hay Ngọc Hoa vẫn phải dồn sức đánh với những tay đập trẻ của Sơn Đông (Trung Quốc) trong trận bán kết để rồi theo không kịp Giang Tô trong trận chung kết thì quả là một điều đáng tiếc.
Âu Hồng Nhung là gương mặt trẻ hiếm hoi được sử dụng. |
Bóng chuyền Việt Nam vẫn còn rất nhiều tài năng trẻ như Âu Hồng Nhung (1993), Nguyễn Linh Chi (1990), Thanh Thúy (1996), Hà Ngọc Diễm (1994), Dương Thị Nhàn (1995), Nguyễn Thị Thanh Thúy (1997)… rõ ràng những tay đập này không kém gì những tài năng trẻ của Thái Lan. Với mục tiêu bảo vệ tấm HCB tại SEA Games 27, nên gần như chắc chắn đội hình tại VTV Cup lần này, sẽ là bộ khung chính tại Myanmar cuối năm nay. Một câu hỏi đặt ra, liệu có tham vọng lật đổ người Thái hay không khi đội bạn thường xuyên đưa người trẻ đi tập huấn, thử lửa trong các giải đấu còn chúng ta thì ko?
Trong trận giao hữu bóng đá giữa ĐTVN và CLB Arsenal vừa qua, HLV Hoàng Văn Phúc đã sử dụng các cầu thủ cự binh như một phần thưởng cho những cống hiến của họ. Tuy nhiên ông cũng không quên gọi khá nhiều gương mặt mới, trẻ tuổi để họ có điều kiện tiếp xúc với bóng đá đỉnh cao và một phần nào đó ông Phúc đã thành công. Tuy nhiên ở môn bóng chuyền điều đó lại không xảy ra.
Bóng chuyền nữ Việt Nam rõ ràng là có sức hút thậm chí là rất lớn, người hâm mộ yêu bóng chuyền tới sân và cổ vũ nhiệt tình không kém gì môn thể thao vua là bóng đá. Chính vì sự nhiệt tình đó, người hâm mộ phải có quyền đòi hỏi một sự chuyển biến thật sự của đội tuyển chứ không mãi giữ khư khư cái danh thứ hai Đông Nam Á như chục năm gần đây./.