Chương trình OCOP ở Gia Lai đạt nhiều kết quả khả quan

VOV.VN - Dự kiến trong năm 2020, tỉnh Gia Lai sẽ có 100 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao trở lên, nằm trong top 10 tỉnh hàng đầu.

Sau gần 2 năm triển khai, Chương trình Mục tiêu quốc gia mỗi xã, phường một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) tại tỉnh Gia Lai đã có 42 mặt hàng nông nghiệp đạt chuẩn từ 3 - 5 sao cấp tỉnh. Cuối 2020, con số này dự kiến tăng gấp đôi. Đáng nói là chương trình đã giúp nhiều nông dân và hợp tác xã tại địa phương nâng cao giá trị nông sản nhờ tham gia vào việc tự xây dựng nhãn hiệu, tìm kiếm thị trường.

Được mùa mất giá, được giá lại mất mùa là điều ám ảnh đối với vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh Xuân (tổ 3, thị trấn Ialy, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) trong hơn 10 năm canh tác cà phê. Năm 2018, sau khi tham gia tập huấn về chương trình OCOP, vợ chồng chị tìm hiểu và quyết định xây dựng nhãn hiệu cà phê Xuân Dương.

Qua tìm hiểu và được hỗ trợ nhiệt tình từ các ngành của huyện, gia đình chị Xuân thành lập cơ sở sản xuất, xây dựng đăng ký nhãn hiệu với đầy đủ các yếu tố trên bao bì như tên nhãn hiệu, địa chỉ sản xuất, đóng gói, đăng ký chất lượng. Cùng với đó, vợ chồng chị tích cực đưa sản phẩm tham gia nhiều hội chợ nông sản khắp các tỉnh, thành.

Đầu năm 2020, sản phẩm cà phê Xuân Dương được Hội đồng đánh giá của tỉnh Gia Lai chấm đạt 3 sao OCOP - chất lượng sản phẩm, khả năng tiếp cận thị trường ở mức khá. Hiện nay, sản phẩm cà phê Xuân Dương đã được gia đình chị Xuân phân phối tới một số tỉnh, thành trong nước và bán trên các sàn thương mại điện tử với giá bán khoảng 200.000 đồng/kg.

“Cà phê của gia đình sạch, không phun thuốc sâu, thuốc cỏ mà chỉ đánh cỏ thủ công. Đến vụ thu hoạch, cà phê được thu hái có chọn lọc với toàn quả chín và được chế biến chuyên sâu. Chất lượng cà phê tốt như vậy nếu bán nhân xô rất tiếc nên đầu tư mua máy về để rang. Lúc ban đầu nhiều người chưa biết cà phê sạch nên việc tiêu thụ rất khó khăn, nhưng sau đó dần dần người dân đã đón nhận cà phê sạch rất nhiều”, chị Xuân chia sẻ.

Cũng nhờ tham gia chương trình OCOP, hiện nay gia đình ông Nguyễn Ngọc Tại (xã Ia Le, huyện Chư Pưh) đã xây dựng thành công nhãn hiệu mủ trôm Ngọc Tại đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh. Ông Tại cho biết, trước đây sau khi thu mủ từ cây trôm, vợ chồng ông phơi khô rồi bán cho thương lái với giá 150.000 đồng/kg. Nhưng nay trước khi bán, mủ trôm của gia đình ông được chế biến, đóng gói thành nhiều mẫu mã, trọng lượng khác nhau phù hợp với nhu cầu người sử dụng thì bán được giá 350.000 đồng/kg.

Không chỉ bán mủ trôm của mình, hiện nay ông Tại đã liên kết tiêu thụ sản phẩm cho 20 ha mủ trôm của các hộ dân trong xã Ia Le. Từ một người nông dân trước đây chỉ quan tâm làm sao để tăng năng suất, sản lượng cây trồng, ông Tại đã biết cách xây dựng nhãn hiệu, xây dựng web giới thiệu, bán sản phẩm. Hiện nay, ông Tại đang trăn trở về việc nâng cao công nghệ chế biến để tăng giá trị và chất lượng cho sản phẩm của mình.

“Sản phẩm chúng tôi đã có sẵn nhưng trang thiết bị chế biến còn thiếu. Tôi mong Chương trình OCOP có thêm sự hỗ trợ cho các thành viên đầu tư công nghệ chế biển để nâng cao chất lượng lượng, giá trị sản phẩm”, ông Tại bày tỏ.

Nhằm hỗ trợ các sản phẩm OCOP địa phương, thời gian qua, Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ xây dựng gian hàng sản phẩm OCOP trong một số siêu thị và các địa điểm du lịch nổi tiếng. Cùng với đó, các ngành Công Thương, Kế hoạch Đầu tư đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, giúp nông dân biết kỹ năng tìm thị trường, đàm phán, xây dựng nhãn hiệu.

Thực tế cho thấy, sau 2 năm triển khai chương trình OCOP, tỉnh Gia Lai đã có 42 sản phẩm đạt chuẩn 3 - 5 sao cấp tỉnh. Trong đó, một số sản phẩm đặc trưng đã được thị trường yêu thích như Tiêu Lệ Chí, mật ong Phương Di, bò một nắng Huy Vũ,  cà phê Xuân Dương, mủ trôm Ngọc Tạo,…

Điều đáng nói ở chỗ, người tạo ra các sản phẩm này phần lớn là các nông dân và hợp tác xã nông nghiệp. Nhờ việc xây dựng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường, họ đã nâng cao giá trị và có trách nhiệm hơn với sản phẩm của mình.

Ông Nguyễn Văn Luyến, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Prong, một trong những địa phương có nhiều sản phẩm OCOP trong năm qua cho biết: “Các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình rất hào hứng và năm nay có 5 sản phẩm được chứng nhận. Đây là chương trình mới nên người dân lúc đầu bỡ ngỡ, nhưng sau khi được tập huấn họ đã nhận biết được vấn đề, sản phẩm tham gia năm sau nhiều hơn năm trước”.

PGS.TS. Trần Văn Ơn, Cố vấn Quốc gia Chương trình OCOP cho rằng, trong 2 năm qua, Chương trình OCOP tại Gia Lai đã đạt được thành tựu khả quan về số lượng sản phẩm. Cùng với đó, chương trình đã cơ bản thay đổi nhận thức của nông dân và các hợp tác xã trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Trần Văn Ơn, trong thời gian tới, chương trình cần hướng tới nâng cao tính tự lực của chủ sản phẩm, đồng thời ứng dụng công nghệ trong bán hàng, quản trị tốt chất lượng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để chương trình thật sự phát huy được ý nghĩa.

“Lúc đầu triển khai OCOP tỉnh Gia Lai còn lúng túng, nhưng sau này nhận thức của cán bộ huyện, đặc biệt các Bí thư, Chủ tịch UBND huyện đã được nâng cao để tổ chức nhiều hoạt động triển khai. Kết quả dự kiến trong năm 2020, tỉnh Gia Lai sẽ có 100 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, đây là kết quả rất đáng nể. Nếu xếp hạng chung, Gia Lai nằm trong top 10 tỉnh hàng đầu về xây dựng chương trình OCOP”, PGS.TS. Trần Văn Ơn nhận xét./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sóc Trăng đẩy mạnh kết nối cung cầu, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm Ocop
Sóc Trăng đẩy mạnh kết nối cung cầu, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm Ocop

VOV.VN - Sau 2 năm triển khai thực hiện chương trình Ocop, tỉnh Sóc Trăng đã công nhận 99 sản phẩm OCop của 52 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh.

Sóc Trăng đẩy mạnh kết nối cung cầu, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm Ocop

Sóc Trăng đẩy mạnh kết nối cung cầu, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm Ocop

VOV.VN - Sau 2 năm triển khai thực hiện chương trình Ocop, tỉnh Sóc Trăng đã công nhận 99 sản phẩm OCop của 52 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh.

Chương trình OCOP khẳng định rõ vai trò của đoàn thể phụ nữ
Chương trình OCOP khẳng định rõ vai trò của đoàn thể phụ nữ

VOV.VN - Trong thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia chương trình OCOP.

Chương trình OCOP khẳng định rõ vai trò của đoàn thể phụ nữ

Chương trình OCOP khẳng định rõ vai trò của đoàn thể phụ nữ

VOV.VN - Trong thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia chương trình OCOP.

Đắk Lắk – Quảng Ninh hợp tác kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP
Đắk Lắk – Quảng Ninh hợp tác kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP

VOV.VN - Nhân dịp này, tỉnh Quảng Ninh và Đắk Lắk cùng giới thiệu về tiềm năng thị trường và thế mạnh các sản phẩm OCOP của hai địa phương.

Đắk Lắk – Quảng Ninh hợp tác kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP

Đắk Lắk – Quảng Ninh hợp tác kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP

VOV.VN - Nhân dịp này, tỉnh Quảng Ninh và Đắk Lắk cùng giới thiệu về tiềm năng thị trường và thế mạnh các sản phẩm OCOP của hai địa phương.