2018 - Năm đổi mới tư duy bên ngoài sân cỏ của bóng đá Việt Nam
VOV.VN - Thành công rực rỡ trên sân cỏ cũng đặt ra hàng loạt vấn đề bên ngoài sân cỏ đáng suy ngẫm cho bóng đá Việt Nam trong năm 2018.
2018 là năm thành công chưa từng có của bóng đá Việt Nam. (Ảnh: Vy Vũ) |
1. Trong thời đại mà người người nói về cách mạng 4.0, nhà nhà nói về cách mạng 4.0 thì VFF nói riêng và làng bóng đá Việt Nam nói chung gần như vẫn đứng ngoài cuộc, cho tới tận cuối năm 2018.
Cách mạng 4.0 “gõ cửa” VFF cùng với sức nóng của trận đại chiến giữa ĐT Việt Nam và ĐT Malaysia ở vòng bảng AFF Cup 2018. Ngày 11/11 trở thành bước ngoặt – đánh dấu thời điểm, cách thức xếp hàng mua vé bị thị trường đào thải.
Công chúng không hài lòng, với việc phải chen chúc nhiều giờ, giữa thời tiết mưa gió lạnh lẽo trong khi có thể đặt mua đủ thứ, giao đến tận vị trí họ đang xếp hàng trước quầy bán vé. Giới truyền thông cũng tận dụng từ khóa “4.0” để công kích cách bán vé truyền thống và đưa ra yêu cầu thay đổi.
Trước sức ép quá lớn từ truyền thông và người hâm mộ, VFF đã phải thay đổi. Việc bán vé online được triển khai, thay thế cho việc xếp hàng, kết hợp với hệ thống giao vé tận nơi – đúng điệu “thương mại điện tử 4.0”. Dù rằng, việc bán vé online đã phát sinh hàng loạt vấn đề, vì tình trạng cầu lớn hơn cung.
20 năm kể từ khi Tiger Cup đến Việt Nam, 11 năm từ khi giải đổi tên thành AFF Cup, VFF đã thay đổi cách phân phối một mặt hàng mà mình độc quyền. (Ảnh: Vy Vũ) |
2. VFF thay đổi và công chúng cũng phải học cách thích nghi với cách bán vé mới. Thậm chí, giới mộ điệu Việt Nam đã phải học cách thích nghi với rất nhiều vấn đề khác trong năm 2018.
Ngày 19/8, Olympic Việt Nam thắng Olympic Nhật Bản 1-0 tại Indonesia. Còn ở quê nhà, hàng triệu người hâm mộ đã hiểu thế nào là giá trị của bản quyền truyền hình. Những trang phát “lậu” bị chặn và không thể truyền tải trọn vẹn diễn biến trận đấu.
Asiad 2018 trở thành minh chứng tiêu biểu, cho sự khác biệt giữa xem bóng đá có bản quyền (vòng knock-out) - khi VOV vào cuộc cùng quyết tâm đàm phán mua bản quyền giải đấu nhằm phục vụ nhân dândân, người hâm mộ cả nước, với xem bóng đá “lậu” (vòng bảng). Và rất có thể, khán giả Việt Nam sẽ phải tập thói quen trả thêm tiền để xem bóng đá, trong trong tương lai gần.
Thực tế, danh sách những thói quen cần thay đổi của người hâm mộ Việt Nam còn rất dài. Như việc không đốt pháo sáng trên khán đài, từ bỏ kèn Vuvuzela, “đi bão” trong khuôn khổ cho phép hay biểu tình phản đối VFF một cách văn minh.
Đốt pháo sáng, "đi bão" vô tội vạ, xem bóng đá "lậu" là những thói quen xấu cần phải thay đổi. (Ảnh: Thế Quang) |
3. Những thành tích vang dội năm 2018 đặt ra hàng loạt vấn đề bên ngoài sân cỏ cho làng bóng đá Việt Nam. Đương nhiên, các cầu thủ cũng không thể đứng ngoài vòng xoáy thay đổi do chính mình tạo ra.
Làm sao để giữ phong độ trước lịch thi đấu dày đặc? Làm sao để tránh chấn thương từ việc hoạt động quá tải? Làm sao để xuất hiện trên sàn catwalk hay đóng quảng cáo mà vẫn duy trì phong độ trên sân cỏ để không bị chê trách? Làm sao để không vướng vào rắc rối trên mạng xã hội?...
Tóm lại, “thế hệ vàng 2018” đã, đang và sẽ phải tạo ra những chuẩn mực mới về sự chuyên nghiệp cho bóng đá Việt Nam, cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Đó là nhiệm vụ, mà có lẽ, các ngôi sao 9X của bóng đá Việt Nam, không muốn cũng phải nhận./.