Tết Nguyên tiêu ở Hội An được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
VOV.VN - Sáng 5/2, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận lễ hội Tết Nguyên tiêu ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Sáng nay, tại các khu phố đô thị cổ, đông đảo người dân Hội An và du khách diễu hành chào mừng Tết Nguyên tiêu ở Hội An được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tết Nguyên tiêu là một trong những lễ hội quan trọng có từ lâu đời ở Hội An. Vào dịp này, các hội quán và nhiều di tích tín ngưỡng trong và ngoài khu phố cổ tổ chức lễ cúng tiền hiền, cầu an, cầu tài lộc đầu năm với ước vọng mọi việc trong năm mới được hanh thông, như ý.
Giá trị đặc trưng của Tết Nguyên tiêu ở Hội An là kết quả của quá trình giao thoa giữa các nền văn hóa Việt Nam, Nhật Bản, Trung Hoa. Đây là dịp để người dân phố Hội bày tỏ tấm lòng tôn kính đối với các chư vị Phật, các vị thần, tiền nhân... cầu mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Từ sáng sớm gia đình chị Nguyễn Thị Hồng và nhiều người dân Hội An đã đến Chùa Ông - hay còn gọi là Quan Công Miếu, số 24 đường Trần Phú, phố cổ Hội An để cầu an: “Tôi đến đây để trải lộ và xin bình an cho gia đình. Mọi người cứ tới đây thành tâm khấn vái mong một năm sức khoẻ, bình an, may mắn, hanh thông”.
Tết Nguyên Tiêu là một trong những lễ hội truyền thống lớn đầu năm được cộng đồng cư dân phố Hội nâng niu gìn giữ, là “phần hồn” không thể tách rời của khu đô thị di sản. Dịp này thành phố Hội An tổ chức nhiều chương trình đặc sắc như: Đêm phố cổ; Đêm thơ Nguyên tiêu; Lễ cúng Nguyên tiêu, giỗ tổ Tiền hiền tại các hội quán; tổ chức một số trò chơi dân gian dành cho người dân và du khách; Diễn xướng tuồng, bài chòi, trình diễn thư pháp và vẽ mặt nạ gốm...
Theo ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, việc đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Nguyên tiêu ở Hội An vừa là niềm phấn khởi, tự hào nhưng cũng là trọng trách to lớn đối với Chính quyền và người dân thành phố Hội An trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy tốt giá trị vốn có của di sản.
“Chính quyền và người dân cần phải nỗ lực hơn nữa để những giá trị đó được lan tỏa không chỉ trong cộng đồng dân cư mà còn đến với bạn bè gần xa, góp phần xây dựng con người Hội An nhân tình thuần hậu; phục vụ các mục tiêu xây dựng thành phố theo định hướng văn hóa - sinh thái - du lịch; đồng thời góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển văn hóa, con người Quảng Nam, đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu “đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030” - ông Hồ Quang Bửu cho biết./.