Án phạt kịch khung vì pháo sáng của VFF: Tiền nhiều để làm gì?
VOV.VN -Việc treo sân và phạt Hà Nội FC và Hải Phòng 70 triệu đồng vì sự cố pháo sáng oanh tạc Hàng Đẫy chiều 21/4 hợp lý, nhưng tiền có ngăn được vấn nạn này?
Chứng kiến sân Hàng Đẫy “thất thủ” vì pháo sáng chiều 21/4 ở trận đấu Hà Nội FC 3-1 Hải Phòng trong khuôn khổ vòng 6 V-League 2019, có thể thấy Ban Kỷ luật VFF có lý do để đưa ra mức án phạt kịch khung dành cho BTC sân này cũng như cả hai đội bóng.
Theo đó, Hà Nội FC bị “treo sân”, phải thi đấu không có khán giả cổ vũ ở trận gặp đội đầu bảng TPHCM ở vòng 7 diễn ra vào chiều 27/4 tới, đồng thời phải nộp phạt số tiền 70 triệu đồng, giống như CLB Hải Phòng, án phạt ở mức cao nhất từ trước tới nay liên quan tới pháo sáng.
Sân Hàng Đẫy "thất thủ" vì pháo sáng "oanh tạc" ở trận Hà Nội FC 3-1 Hải Phòng trong khuôn khổ vòng 6 V-League 2019 diễn ra chiều 21/4. (Ảnh: Chi Chi). |
Nhìn cảnh CĐV Hải Phòng thi nhau đốt pháo sáng trên khán đài, thậm chí ném xuống sân khiến Hàng Đẫy mù mịt khói, còn trọng tài Ngô Duy Lân đã buộc phải tạm dừng trận đấu ít phút do các cầu thủ bị ngạt khói, ảnh hưởng tới việc thi đấu, có thể thấy cần một mức án phạt nặng, đủ tính răn đe để ngăn chặn vấn nạn “pháo sáng” vốn là nỗi nhức nhối của V-League nhiều năm qua.
Ngay cả Ban lãnh đạo Hà Nội FC và Hải Phòng đều không kháng cáo sau khi Ban Kỷ luật VFF công bố án phạt kịch khung lần này vì sự cố pháo sáng, cũng cho thấy cả hai đội bóng đều hiểu lý do vì sao phải nhận mức án nặng tay như vậy.
Hà Nội FC, Hải Phòng hay các CLB đều có lỗi nhưng cũng chỉ là nạn nhân của vấn nạn pháo sáng ở V-League? (Ảnh: Chi Chi). |
Bởi đơn giản, dù có lỗi trong khâu chuẩn bị và công tác tổ chức trận đấu khi để xảy ra sự cố CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng và “quậy tưng” khán đài sân Hàng Đẫy nhưng nhìn ở khía cạnh nào đó, cả Hà Nội FC hay Hải Phòng đều là... nạn nhân trong vấn nạn pháo sáng này.
Từ lâu việc CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng trên khán đài gây mất an ninh đã trở thành “vấn nạn” của V-League. Năm 2009, họ bị phạt nặng vì gây rối trong trận đấu với Thể Công. Sau vụ việc này, Hội CĐV Hải Phòng tuyên bố giải thể, không còn dính tới CLB nên càng khó quản lý hơn.
Clip pháo sáng "oanh tạc" sân Hàng Đẫy chiều 21/4
Tới mùa giải 2017, CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng khi tới làm khách của Hà Nội FC. Ban kỷ luật sau đó cấm người hâm mộ đất cảng mặc áo CLB hay mang băng rôn tới sân khách cổ vũ trong phần còn lại của mùa giải.
Có thể thấy, VFF càng công bố án phạt thì mức độ quá khích, thể hiện sự chống đối, khiêu khích với BTC V-League từ một bộ phận CĐV Hải Phòng càng rõ ràng và “manh động” hơn. Không những thế, sau khi tuyên bố giải thể Hội CĐV Hải Phòng thì việc xử phạt từ VFF như “quýt làm cam chịu”.
Hà Nội FC nhận án treo sân và bị phạt kịch khung 70 triệu vì pháo sáng
Đơn cử, sự vụ pháo sáng “oanh tạc” sân Hàng Đẫy chiều 21/4 như một động thái cho thấy sự khiêu khích của một bộ CĐV quá khích Hải Phòng, sau khi VFF công bố án phạt 20 triệu đồng nhưng lại là dành cho CLB đất Cảng vì để CĐV đốt pháo sáng trên khán đài sân Lạch Tray ở vòng 5 trước đó trong trận gặp Đà Nẵng.
Tương tự, tất cả các án phạt trước đây liên quan đến pháo sáng, chỉ có các CLB phải chịu nộp phạt, trong đó có cả Hải Phòng, tới mức, đội bóng nào cũng lo lắng khi tiếp đón Hải Phòng trên sân nhà, vì nỗi lo bị “phạt oan” do pháo sáng.
Khoản tiền phạt vì pháo sáng như một nguồn thu “đều đặn” với Ban Kỷ luật VFF nhưng tiền nhiều để làm gì, khi vấn nạn pháo sáng vẫn ám ảnh cả làng bóng đá Việt và không thể giải quyết triệt để, đúng người đúng việc như hiện tại. Và cảnh “quýt làm, cam chịu” vì pháo sáng cứ tiếp diễn đến bao giờ ở V-League?./.