Bê bối tham nhũng của FIFA: Đòn công kích hướng tới Nga?
VOV.VN - Liên tiếp trong thời gian qua, những bê bối về tài chính của FIFA bị phanh phui, trong hoàn cảnh chỉ còn 3 năm nữa là World Cup được tổ chức tại Nga.
Cuối nhiệm kỳ thứ 4 và đầu nhiệm kỳ thứ 5 nắm quyền lực cao nhất cơ quan bóng đá thế giới, hình ảnh, uy tín chủ tịch FIFA – Sepp Blatter liên tục suy giảm vì những cáo buộc liên quan đến các vụ án tham nhũng. Không chỉ quan chức ở nhiều bộ phận khác nhau của FIFA nhúng chàm, ngay chính bản thân vị chủ tịch 79 tuổi cũng trực tiếp bị “nghi ngờ”.
Những vụ tham nhũng trong bóng tối của FIFA liên tục bị phanh phui. Đứng đầu các chuyên án là cảnh sát Thụy Sĩ (quê hương Sepp Blatter) và Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI). (Ảnh: Getty) |
Cột mốc đánh dấu những tín hiệu đầu tiên của cuộc điều tra tài chính tại FIFA đã bắt đầu cách đây 5 năm. Và đặc biệt liên quan mật thiết đến nước chủ nhà World Cup 2018.
Tháng 10/2010: FIFA đình chỉ công việc của Temarii và Adamu. 2 thành viên thuộc Ủy ban điều hành FIFA bị tiến hành điều tra rao bán phiếu bầu đăng cai World Cup 2018 và 2022.
Tháng 12/2010: Nga được trao quyền đăng cai World Cup 2018. Qatar là nước chủ nhà 4 năm sau đó, bất chấp những lo ngại về thời tiết nắng nóng tại quốc gia Tây Á.
Tháng 11/2014: Cựu quan chức FIFA Chuck Blazer hợp tác với Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) để làm rõ về nạn tham nhũng tại cơ quan bóng đá quyền lực nhất thế giới.
Ngày 27/5/2015: Cảnh sát Thụy Sỹ bắt 7 thành viên của FIFA trong một khách sạn tại Zurich và đưa sang Mỹ để thẩm vấn về các hoạt động tham nhũng, hối lộ với số tiền lên tới 150 triệu USD. Ít giờ sau, các công tố viên Thụy Sỹ mở cuộc điều tra nhắm vào hồ sơ đăng cai World Cup 2018 và 2022.
Chủ tịch Sepp Blatter ủng hộ Nga đăng cai World Cup 2018. (Ảnh: AFP) |
Hai ngày sau, Sepp Blatter tái đắc cử chủ tịch FIFA nhiệm kỳ thứ 5 liên tiếp.
Ngày 2/6/2015: Chủ tịch FIFA Sepp Blatter tuyên bố từ chức, chấm dứt 17 năm "cai trị" cơ quan bóng đá quyền lực nhất thế giới. Nhưng phải đến đầu năm 2016, FIFA mới tổ chức cuộc bầu cử mới. Trong thời gian đó, Sepp Blatter vẫn nắm quyền chủ tịch.
Ngày 25/9/2015: Sepp Blatter bị cơ quan chức năng Thụy Sĩ thẩm vấn với cáo buộc sai phạm khi ký một bản hợp đồng bản quyền truyền hình World Cup với Liên đoàn bóng đá Caribbean vào năm 2005, khiến FIFA chịu tổn thất.
Đồng thời, ông Sepp Blatter còn bị nghi ngờ đã lấy danh nghĩa FIFA, thanh toán “khoản phí ảo” 1,34 triệu bảng Anh cho Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) - Michel Platini.
Các cuộc thi đấu tầm cỡ thế giới như World Cup sẽ thu hút sự quan tâm toàn cầu về nước chủ nhà, mang lại uy tín, cơ hội quảng bá và đầu tư thương mại cho Nga. Việc phanh phui bê bối của FIFA trong thời gian kể trên xảy ra cùng thời điểm quan hệ Phương Tây và Nga căng thẳng vì Crimea hồi năm ngoái.
Chủ tịch FIFA bị điều tra hình sự
Nhiều tờ báo nhận định, các nước Phương Tây và Mỹ muốn nhân dịp này hạ uy tín của Nga.
Sepp Blatter luôn đứng về phía Moscow khi một số nước phương Tây chỉ trích việc Nga giành quyền đăng cai World Cup 2018 cách đây 4 năm. Hồi tháng 5/2015, ông từ chối đề nghị từ 13 thượng nghị sĩ Mỹ về việc tước quyền đăng cai của Nga.
Chính vì thế, việc điều tra tham nhũng của các quan chức Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) không khác gì một trận cầu nảy lửa giữa Nga và Mỹ, khi nỗ lực của Washington hướng tới mục đích truất quyền đăng cai World Cup 2018 của Moscow./.