Đến lúc cầu thủ Việt nghĩ tới việc mua bảo hiểm cho đôi chân
VOV.VN - Từ pha vào bóng quyết liệt quá mức cần thiết của Quế Ngọc Hải với tiền vệ Anh Khoa, có lẽ các cầu thủ Việt nên nghiêm túc nghĩ tới việc mua bảo hiểm.
V-League ngày càng bạo lực
Có một điều mà bất kỳ ai theo dõi các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cũng dễ dàng nhận thấy: mức độ bạo lực sân cỏ ngày càng gia tăng.
Theo một thống kê do phóng viên chương trình Thể thao 7 ngày của VOV2, Đài Tiếng nói Việt Nam tổng hợp: sau 25 vòng đấu V-League mùa này, đã có tổng cộng 717 thẻ vàng và 42 thẻ đỏ được rút ra. Trung bình mỗi vòng đấu có 28,68 thẻ vàng và 1,68 thẻ đỏ.
Án treo giò của Văn Nam và nạn bạo lực tại V-League 2015
Số liệu tương tự ở V-League 2013 là 576 thẻ vàng và 29 thẻ đỏ.
Đó là còn chưa tính đến những trường hợp nương nhẹ, như việc trọng tài Phùng Đình Dũng chỉ rút thẻ vàng (mà theo nhiều người lẽ ra nên là thẻ đỏ) dành cho Quế Ngọc Hải sau pha vào bóng bằng cả 2 chân khiến Anh Khoa chấn thương.
Cầu thủ Việt tiêu tan sự nghiệp vì chấn thương
Tiền vệ Anh Khoa (SHB Đà Nẵng) không phải cầu thủ đầu tiên dính chấn thương nặng sau các pha vào bóng mang tính triệt hạ xuất hiện nhan nhản tại V-League.
Năm ngoái, tiền vệ Thanh Hải của Đồng Tâm Long An từng phải đi thẳng từ sân bóng đến bệnh viện sau khi bị lệch khớp vai do va chạm với Văn Bình của Becamex Bình Dương.
Rồi cũng phải kể đến tình huống Danny David bị Đinh Văn Ta đạp thẳng gầm giầy dẫn đến rạn xương sườn, hay cái ống chân gãy đôi của Nguyễn Anh Hùng do bị Trần Đình Đồng đạp trúng.
Đã đến lúc tự bảo hiểm bản thân
Tất cả các văn bản luật của các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam như Quy chế Bóng đá Chuyên nghiệp (sửa đổi bổ sung 2015), mẫu Hợp đồng lao động, hợp đồng thi đấu chuyên nghiệp... đều có điều khoản quy định về chế độ bảo hiểm, bồi thường trong trường hợp xảy ra chấn thương.
Tuy nhiên, điểm chung của những quy định này là chế độ bồi thường phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của chấn thương; mà để xác định đầy đủ và chính xác điều này ở nước ta thường ... mất rất nhiều thời gian.
Cựu cầu thủ David Beckham từng bỏ cả "núi tiền" để mua bảo hiểm. Đổi lại, anh có thể nhận 70 triệu USD tiền bảo hiểm cho chân và bàn chân. |
Trong khi đó, chấn thương lại chẳng đợi, chẳng tha ai cả; mắc là phải chữa. Ai may mắn thì được lãnh đạo đội bóng chủ quản lo, còn đa phần phải tự cứu mình trước.
Thế nên, giải pháp cho cầu thủ Việt, nên chăng là hãy học hỏi các ngôi sao quốc tế, tự mua bảo hiểm cho bản thân mình, thay vì trông chờ vào chế độ bảo hiểm nhà nước.
Cựu đội trưởng đội tuyển Anh David Beckham từng chi ra tới 43 triệu bảng để mua bảo hiểm cho đôi chân của mình trong năm cuối cùng sự nghiệp (2013). Số tiền đó thậm chí còn vượt tổng thu nhập của Becks trong năm đó (chỉ là 31 triệu bảng).
Tương tự, Real Madrid từng chi ra tới 103 triệu euro để mua bảo hiểm cho đôi chân của Cristiano Ronaldo. Còn khoản tiền bảo hiểm dành cho Lionel Messi từ nay cho đến lúc giải nghệ là một con số khổng lồ gây choáng váng: 550 triệu euro.
Người ta thường nghe đến các khoản chuyển nhượng, lót tay tiền tỷ của cầu thủ Việt Nam. Chi tiền để bảo hộ đôi chân – công cụ lao động chính – thiết nghĩ các cầu thủ không nên tiếc đầu tư vào khoản này./.