Vì sao Premier League không còn là “số một” sau Brexit?
VOV.VN - Việc nước Anh rời EU, thường được viết tắt là Brexit, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả các lĩnh vực đời sống, trong đó có bóng đá.
Rắc rối giấy phép làm việc
Có một điều chắc chắn, việc nước Anh rời EU sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình tự do di cư và tới làm việc ở xứ sở sương mù của các nam và nữ VĐV ở các nước EU mà không cần giấy phép.
Luật ghi rõ, điều kiện để các cầu thủ được phép tới sinh sống và thi đấu ở Anh là phải khoác áo ĐTQG theo tỷ lệ % nhất định trong 2 năm trước khi nộp đơn xin giấy phép làm việc (tỷ lệ chính xác phụ thuộc vào vị trí của quốc gia của họ trên BXH của FIFA).
Cả Martial và Payet đều không đủ tiêu chuẩn được cấp giấy phép lao động ở Anh quốc theo luật định, sau Brexit. (Ảnh: BPI).
Cụ thể, một cầu thủ muốn được cấp giấy phép tới Anh thi đấu phải khoác áo ĐTQG của họ 30% số trận trong 2 năm nếu quốc gia đó trong top 10 trên BXH FIFA. Con số này sẽ lần lượt là 45%, 60% và 75% đối với các quốc gia ở nhóm từ 11-20, 21-30, 31-50 theo thứ tự FIFA xếp hạng.
Chính vì vậy, nếu Anh rời EU và điều khoản này được áp dụng với các cầu thủ ở các nước thuộc liên minh châu Âu, hơn 100 cầu thủ ở Premier League, giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, sẽ không đủ tiêu chuẩn để được cấp giấy phép làm việc và ra sân thi đấu. Thậm chí, mở rộng ra các hạng đấu thấp hơn hai hạng ở Anh và Scotland, con số này sẽ tăng gấp 4 lần, 400 cầu thủ.
Trong số đó, có thể “điểm mặt, chỉ tên” nhưng ngôi sao thượng thặng ở mùa giải vừa qua như “bom tấn” Anthony Martial (MU), N’Golo Kante (Leicester) và Dimitri Payet (West Ham)… bởi 3 gương mặt này mới được triệu tập và không đủ số lần khoác áo ĐTQG Pháp theo quy định nói trên.
Premier League sẽ tự suy yếu và không còn giữ vị trí "độc tôn" sau Brexit ? (Ảnh: Getty). |
Cũng cần phải nói ngay rằng, các ngôi sao từ các quốc gia EU sẽ không bị “đuổi” khỏi Anh sau Brexit, bởi các quyết định mới sẽ không được triển khai ngay tức thì. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu quyết định này được thông qua, những viên “ngọc quý” như Payet, Kante hay Martial…sẽ tính đường “chuồn” khỏi Premier League, và hệ quả là giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh sẽ khó có thể giữ vị thế độc tôn của mình.
Cùng với đó, thị trường chuyển nhượng hứa hẹn thay đổi chóng mặt, bởi giá của các cầu thủ không cần giấy phép lao động tại Anh chắc chắn tăng, trong khi các cầu thủ khác ở châu Âu sẽ giảm mạnh vì bị “ép giá” tối đa.
Không còn là “miền đất hứa” với sao trẻ
Công nghệ “đào tạo” ngôi sao và thần tượng của truyền thông Anh quốc luôn khiến các quốc gia khác phải “nể mặt”. Bên cạnh đó, tiền bản quyền truyền hình béo bở luôn giúp giới cầu thủ được hưởng những mức lương cao ngất và thu hút nhiều ngôi sao “tuổi teen”.
Ngay cả Cristiano Ronaldo cũng không thể "cập bến" MU và thành công rực rỡ như hiện tại nếu Brexit diễn ra cách đây 13 năm. (Ảnh: Getty). |
Tuy nhiên, nếu Brexit diễn ra cách đây khoảng 10-15 năm, có lẽ người hâm mộ Premier League sẽ không được thấy Thierry Henry hay sau này là Cristiano Ronaldo tới khoác áo Arsenal và MU, sau đó đi vào lịch sử. Còn ở hiện tại, sau Brexit, các CLB xứ sở sương mù sẽ không còn có thể dùng những đồng Bảng đầy ma lực để “cuỗm” các tài năng trẻ ở các lò đào tạo khác.
Điều 19 luật FIFA về tình trạng và chuyển nhượng cầu thủ đã quy định, cho phép chuyển nhượng các cầu thủ tuổi còn vị thành niên, độ tuổi 16-18 trong khu vực EU hoặc EEA (khu vực kinh tế châu Âu).
Arsenal cũng không thể "cuỗm" sao trẻ Hector Bellerin từ Barca đặt trong bối cảnh Brexit. (Ảnh: Getty). |
Có lẽ Arsenal sẽ là đội bóng có nhiều điều cần phải luyến tiếc nhất khi luôn phát hiện ra và đưa về Emirates những “sao mai” đầy triển vọng, đặc biệt là “có duyên” với lò La Masia trứ danh của Barca với việc đưa Cesc Fabregas tới xứ sở sương mù cách đây 13 năm, hay gần nhất là hậu vệ Hector Bellerin (2011)./.