Công nghệ trong bóng đá: Thiên đường - địa ngục chỉ khoảnh khắc
VOV.VN - Công nghệ mang đến sự công bằng, minh bạch hơn trong bóng đá hiện đại nhưng nó cũng làm giảm sự hấp dẫn của trận đấu. Chiến thắng - thất bại, đau đớn - hạnh phúc, tất cả chỉ cách nhau một vài cái chớp mắt.
Sáng 1/12 theo giờ Việt Nam, Liên đoàn Bóng đá Pháp (FFF) đã nộp đơn khiếu nại lên Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA), về tình huống Antoine Griezmann bị tước bàn thắng ở cuối trận đấu với Tunisia.
Sau khi tiền đạo của Atletico Madrid đưa bóng vào lưới đối thủ ở phút 90+8, trọng tài Matthew Conger công nhận bàn thắng và cho trận đấu tiếp tục. Nhưng sau đó, ông nhanh chóng lật kèo bằng cách xem lại VAR và từ chối bàn thắng này.
Còn trong lượt trận tại vòng bảng, quyết định thổi phạt đền ở trận Bồ Đào Nha thắng Ghana 3-2 là một trong những đề tài gây tranh cãi nhất. Ở trận đấu sau đó, Bồ Đào Nha tiếp tục được hưởng lợi trên chấm 11m ở trận gặp Uruguay. Pha bóng của Gimenez (Uruguay) được cho thỏa mãn đủ các điều kiện để được xem là "không cố tình dùng tay chơi bóng" trong luật mới của IFAB. Điều này đã dấy lên những tranh cãi liên tiếp về sự ưu ái dành cho đội tuyển Bồ Đào Nha.
Mới nhất là bàn thắng của tuyển Nhật Bản ở lượt trận cuối cùng vòng bảng với Tây Ban Nha. Sau trận đấu, nhiều cổ động viên cho rằng VAR chỉ là trò lừa bịp.
“Tôi nhìn thấy toàn bộ quả bóng ra ngoài".
"Thêm một lần VAR thất bại. Nó giống như trò lừa bịp. Bằng cách nào đó, Nhật Bản đã nhảy lên dẫn đầu bảng".
Chưa dừng lại ở đó, công nghệ bắt việt vị bán tự động theo chủ tịch FIFA Infantino mô tả là "sự bổ sung chất lượng cho VAR ở thời điểm hiện tại" cũng đang là đề tài gây tranh cãi.
Trong trận Argentina thua Saudi Arabia 1-2, Lautaro Martinez bị bắt lỗi việt vị vì có phần tay áo ở phía dưới so với cầu thủ đối phương. Điều đáng nói ở đây là cả hai chân của tiền đạo Argentina vẫn đứng trên hậu vệ Saudi Arabia. Tại trận đấu này, đội bóng xứ Tango cũng bị bắt lỗi việt vị tới 7 lần và 3 lần trong số đó họ đã đưa bóng vào lưới. Nếu không có công nghệ bắt việt vị bán tự động này, Messi và các động đội đã không phải nhận thất bại cay đắng trước Saudi Arabia.
Thế nhưng nếu bạn nắm rõ công nghệ bắt việt vị bán tự động và luật, bạn sẽ hiểu các trọng tài đã làm tương đối tốt công việc từ ngày World Cup 2022 khởi tranh chứ không còn đặt câu hỏi tại sao.
Tại World Cup trên đất Qatar, 12 camera theo dõi chuyên dụng được gắn bên dưới mái vòm ở các sân bóng đá để theo dõi quả bóng cũng như các cầu thủ. Với 29 điểm dữ liệu được thu thập liên tục từ những cầu thủ cùng với tốc độ phân tích 50 lần/giây, có thể dễ dàng tính toán chính xác vị trí từng cầu thủ trên sân và hoạt động của các bộ phận dẫn đến tình huống việt vị hay những tình huống phạm lỗi.
Việc quả bóng Al Rihla được Adidas thiết kế đặc biệt cũng giúp tổ trọng tài VAR nhanh chóng phát hiện các lỗi này. Nhưng để cho chắc ăn, tổ trọng tài VAR sẽ tiếp tục thực hiện thêm thao tác kiểm tra thủ công, rồi sau đó mới thông báo kết quả cho trọng tài chính.
Nhờ công nghệ, các phân tích và báo cáo của tổ VAR sẽ nhanh chóng được đưa đến trọng tài chính để đưa ra quyết định. Ngay sau khi sử dụng SAOT, một video 3D sẽ xuất hiện trên màn hình sân vận động lẫn màn hình để giải thích quyết định của trọng tài.
Trước khi công nghệ can thiệp rộng và sâu vào những trận đấu, trọng tài - hay những vị vua áo đen vẫn là những người cầm cân nảy mực và quyết định những tình huống nhạy cảm trên sân cỏ. Mặc dù, nhiều khi quyết định của họ mang tính cảm tính và gây rất nhiều tranh cãi, nhưng nó luôn được mặc định coi như một phần không thể thiếu của bóng đá. Đặc biệt là ở những trận cầu lớn.
Người hâm mộ bóng đá hẳn chưa thể quên những bê bối chấn động bóng đá thế giới tại World Cup 2002 của đội tuyển Hàn Quốc. Những hình ảnh tiêu cực liên tiếp được Hàn Quốc và trọng tài trong trận đấu với Bồ Đào Nha, Italy, Tây Ban Nha và Đức. Với sự “giúp sức" của người cầm còi, những tiếng còi méo và thẻ phạt vô lý, cùng những tình huống từ chối bàn thắng hợp lệ đã giúp Hàn Quốc vào đến bán kết giải đấu năm đó.
Điều này hẳn sẽ khó lặp lại tại World Cup 2022 và những năm sau này với sự can thiệp của công nghệ. Ngoài ra, tính công bằng cũng như hình ảnh trực quan dưới nhiều góc máy trong trận đấu cũng cho khán giả được thưởng thức trận đấu một cách trọn vẹn và mãn nhãn hơn. Cựu trọng tài lừng danh Pierluigi Collina, hiện là Chủ tịch Hội đồng trọng tài FIFA chia sẻ: “Công nghệ VAR, bắt việt vị bán tự động tại World Cup 2022 chính xác tới từng Milimet. Quan trọng hơn, trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì trọng tài vẫn là những người đưa ra quyết định cuối cùng. Những điều này giúp bóng đá trở nên công bằng hơn.”
Cho đến nay, việc áp dụng công nghệ vào các giải đấu tạo nhiều quan điểm trái chiều. Nhiều người ủng hộ sự góp mặt của công nghệ mang đến sự công bằng, minh bạch hơn trong bóng đá hiện đại. Nhưng cũng có những người cho rằng, công nghệ đã làm giảm sự hấp dẫn của trận đấu.
Bảo vệ cho quan điểm của mình, người hâm mộ vẫn nhớ mãi về “Bàn tay của Chúa” với pha làm bàn bằng tay của huyền thoại Diego Maradona trong trận tứ kết World Cup 1986 giữa Argentina và Anh.
VAR, cảm biến gắn trong bóng hay bắt việt vị bán tự động về bản chất vẫn là công nghệ hỗ trợ trọng tài ra quyết định, chứ hoàn toàn không thể thay thế các vị “vua áo đen". Nói cách khác, mọi quyết định cuối cùng vẫn do trọng tài chính đưa ra.
Bóng đá vốn là môn thể thao nghiệt ngã nhưng đầy hấp dẫn với những khoảnh khắc, con người. Có VAR, sự nghiệt ngã còn gia tăng gấp bội. Phải - trái, đúng - sai, mọi hỉ, nộ, ái, ố của môn thể thao vua giờ có những thời điểm dồn cả vào vài chục giây từ màn hình VAR. Chiến thắng - thất bại, đau đớn - hạnh phúc, tất cả chỉ cách nhau một vài cái chớp mắt. Chỉ là với công nghệ được nâng cấp và áp dụng ngày càng nhiều, rất khó để người hâm mộ chứng kiến bàn thắng gây tranh cãi nhưng đầy cảm xúc của huyền thoại Diego Maradona./.