Tổ chức SEA Games 31: Nên trao cơ hội cho TP.HCM
VOV.VN -Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên VT Vụ TT thành tích cao, cho rằng nên tổ chức SEA Games 31 ở TP.HCM để tạo cơ hội xây dựng cơ sở vật chất, phát triển thể thao nơi đây
PV: Thưa ông cách đây hơn 1 năm, PV VOV.VN đã có dịp trao đổi với ông về vấn đề chúng ta đăng cai tổ chức kỳ ASIAD và sau đó thì Thủ tướng Chính phủ đưa ra quyết định chúng ta chưa đăng cai kỳ đại hội của châu lục. Đến thời điểm hiện tại thì Bộ Văn hoá – Thể thao & Du lịch đang xây dựng đề án để Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31 vào năm 2021. Vậy ý nghĩa của việc tổ chức kỳ SEA Games thứ 2 ở Việt Nam ở giai đoạn này có gì khác biệt ở thời điểm chúng ta nhận đăng cai kỳ ASIAD trước đây?
Ông Nguyễn Hồng Minh: Trước hết chúng ta phải phân biệt Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) và Đông Nam Á (SEA Games) là về cấp độ, quy mô và tất cả những khó khăn trong công tác tổ chức, chuẩn bị lực lượng VĐV, xây dựng cơ sở vật chất hoàn toàn khác nhau. Ở châu lục, số lượng người đến rất đông, 12.000-13.000 VĐV không kể các quan chức và thi đấu nhiều môn thể thao và sẽ phải xây dựng những cơ sở vật chất theo quy định của Á vận hội.
Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao cho rằng năm 2021 là thời điểm hợp lý để Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31. (Ảnh: Quang Trung). |
Còn SEA Games thì quy mô nhỏ hơn, chỉ có các nước trong khu vực Đông Nam Á thôi, trình độ chuyên môn cũng không yêu cầu cao như ASIAD nên việc tổ chức SEA Games trở nên dễ dàng hơn rất nhiều so với ASIAD và đặc biệt nói về kinh tế thì sẽ đỡ tốn kém hơn rất nhiều so với chi phí tổ chức Á vận hội. Chính vì vậy, một vấn đề phát triển thể thao có gắn vấn đề phát triển kinh tế và về chuyên môn thì trình độ thi đấu, HLV là rất quan trọng và chúng ta phải tính đến yếu tố đó nếu tổ chức.
Chúng ta từng tổ chức SEA Games 2003 rất thành công qua quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng trong 10 năm với sự ủng hộ của Chính phủ và quan tâm của Đảng. Chúng ta cũng phải xây dựng hệ thống cơ sở vật chất lúc bấy giờ và thành công cả về thành tích và công tác tổ chức.
Chúng ta phải tính toán đến sự phát triển kinh tế và điều kiện đảm bảo cho công tác tổ chức, vì vậy việc tổ chức SEA Games bên cạnh đó còn là trách nhiệm của Việt Nam bởi theo điều lệ, lần lượt các nước trong khu vực có trách nhiệm tham gia và tổ chức kỳ đại hội thể thao khu vực.
Việt Nam đang có lực lượng VĐV có chất lượng chuyên môn tốt, đáp ứng yêu cầu của thể thao khu vực, thậm chí là châu lục. (Ảnh: Ngọc Duy). |
Không riêng gì tổ chức SEA Games ở Việt Nam mà khi tổ chức ở các nước, cũng như việc tổ chức Á vận hội, Olympic là những sự kiện thể thao lớn góp phần thúc đẩy phát triển thế hệ trẻ, quảng bá hình ảnh, con người quốc gia đăng cai tổ chức và tăng cường tình hữu nghị các nước thông qua thi đấu thể thao.
PV: Vậy theo ông Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31 năm 2021 ở thời điểm đó có hợp lý hay không?
Ông Nguyễn Hồng Minh: Năm trước chúng ta bàn đến việc năm 2018 Việt Nam tổ chức ASIAD và điều đó không hợp lý và Chính phủ đã đúng đắn khi quyết định tạm dừng. Trước đó, theo quan điểm của tôi, chúng ta rất cần chuẩn bị tốt để tổ chức một kỳ ASIAD. Từ đầu những năm 2000 tôi đã kiến nghị kế hoạch về tổ chức một kỳ đại hội nhưng chậm từ 1-2 kỳ, tức khoảng từ 4-8 năm. Bây giờ chúng ta tổ chức SEA Games với quy mô thấp hơn ASIAD, thứ hai nữa là nền kinh tế của chúng ta có những phát triển tốt, mặc dù vẫn có những khó khăn nhưng nước ta đang vững bước phát triển kinh tế theo mỗi năm nên tôi nghĩ tổ chức kỳ đại hội thể thao khu vực không có gì trở ngại.
Ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31 năm 2021 là hợp lý. (Ảnh: Ngọc Duy). |
Đặc biệt chúng ta đã có kinh nghiệm tổ chức SEA Games kỳ trước cũng như có lực lượng VĐV có trình độ cao, ổn định, thậm chí có cả những đóng góp ở bình diện châu lục. Kể cả việc tổ chức ở Hà Nội hay TP.HCM tôi nghĩ lãnh đạo hai thành phố đảm bảo có thể tổ chức được nên tôi đánh giá không có khó khăn gì lớn tổ chức SEA Games, dù ở Hà Nội hay TP.HCM.
PV: Ông vừa nhắc đến hai điạ điểm chúng ta dự kiến tổ chức Đại hội thể thao khu vực vào năm 2021. Theo ông, ông sẽ lựa chọn thành phố nào và vì sao?
Ông Nguyễn Hồng Minh: Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi muốn nhắc lại Hiến chương Olympic hoặc là của các châu lục về thể thao, việc tổ chức đại hội thể thao thường được ấn định ở một thành phố, nghĩa là ở một thành phố đăng cai chứ không phải là một quốc gia.
Có thể thấy không phải Olympic Nga hay Mỹ mà là Olympic Moscow hay Olympic Atlanta, hay Olympic Bắc Kinh của Trung Quốc chứ không phải Trung Quốc đăng cai hay Việt Nam đăng cai. Chính vì vậy, đã thành một quy định là tổ chức một thành phố và thành phố đăng cai đó đều được yêu cầu có một cam kết ủng hộ của Chính phủ nước đó trong việc tổ chức sự kiện này.
TP.HCM cần xây dựng thêm sân vận động chính cũng như khu liên hợp thể thao dưới nước đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế. (Ảnh: Ngọc Duy). |
Ở Việt Nam, dù tổ chức ở Hà Nội hay TP.HCM đều là dưới sự lãnh đạo và tổ chức của Chính phủ và ngành Thể thao đứng ra tham mưu. Tôi nghĩ, với cơ chế tổ chức này thì ở Hà Nội hay TP.HCM đều có thể tổ chức SEA Games năm 2021.
Hà Nội đã có kinh nghiệm tổ chức rồi, có sẵn cơ sở vật chất đầy đủ, chỉ cần nâng cấp các phương tiện thi đấu. Ở TP.HCM, trong SEA Games trước cũng tổ chức một vài môn và có một vài hệ thống cơ sở vật chất ở trung tâm thành phố và quận, huyện tốt. Tôi nghĩ TP.HCM có rất nhiều nhà thi đấu có thể đảm bảo thi đấu những môn đơn lẻ, tổ hợp thể thao sân Phú Thọ đảm bảo tiêu chuẩn tốt nhưng vẫn phải xây một sân vận động mới vì sân Thống Nhất không thuận lợi cho quá trình tổ chức.
Chính vì vậy, TP.HCM cần xây một khu thể thao mới, trong đó có sân vận động chính làm nơi khai mạc, bế mạc. Bên cạnh đó, cần có một khu liên hợp thể thao dưới nước, có bể khởi động và bể thi đấu, có cầu để nhảy và có bơi nghệ thuật... Như thế đó là hai điều kiện bắt buộc và TP.HCM phải xây dựng. Do đó có nhiều ý kiến cho rằng việc tổ chức ở Hà Nội là tiết kiệm và phù hợp với chủ trương kêu gọi tiết kiệm của đất nước ta. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng trong thể thao để phát triển toàn diện thì không nên quá lệ thuộc hay cứng nhắc lệ thuộc vào việc tiết kiệm.
Việc tổ chức SEA Games 31 ở TP.HCM sẽ là cơ hội để xây dựng thêm cơ sở vật chất, thúc đẩy thể thao ở đây phát triển. (Ảnh: Ngọc Duy). |
Thứ hai nữa, TP.HCM là trung tâm đầu não lớn của đất nước, phát triển kinh tế với chỉ số GDP tăng rất tốt, là nơi tập trung sự đầu tư của nước ngoài rất lớn trong nhiều lĩnh vực và thành phố này đang thiếu một số công trình thể thao. Đây là một dịp để kêu gọi xã hội hoá, đầu tư xây dựng những công trình thể thao đó phục vụ sự nghiệp phát triển thể dục thể thao của thành phố và đất nước, đáp ứng đủ điều kiện thi đấu quốc tế cho cả về sau này.
Tổ hợp thể thao Bukit Jalil của Malaysia kể từ khi xây dựng từ năm 2001 cho đến nay họ xây dựng một lần thôi và bây giờ họ tổ chức các sự kiện thể thao khác, kể cả Common Wealth (Đại hội thể thao khối thịnh vượng chung) vẫn tổ chức ở đó. Như thế tức là chỉ xây dựng 1 lần và lần sau chỉ nâng cấp thôi.
Với tiềm lực của TP.HCM và khả năng kêu gọi đầu tư xã hội hoá, tôi nghĩ không có khó khăn gì lớn và theo quan điểm tôi cũng không nên quá phụ thuộc tư duy bao cấp chỉ phụ thuộc vào tiền của nhà nước mà phải đẩy mạnh đầu tư xã hội hoá. Chúng ta có thể thấy một cơ sở vật chất hoành tráng của tập đoạn FLC ở Thanh Hoá, giờ họ có thể tổ chức những sự kiện thể thao, văn hoá lớn ở đó.
Quan điểm của tôi là muốn tổ chức ở TP.HCM để thúc đẩy, tạo thêm cơ hội xây dựng cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho thể thao ở đây phát triển hơn nữa. Bạn bè quốc tế thường trao đổi với tôi, rằng họ đều muốn SEA Games lần trước đã tổ chức ở Hà Nội thì bây giờ là TP.HCM, nơi được gọi là “Hòn ngọc Viễn Đông” để mang lại những niềm cảm hứng đối với đất nước và con người của chúng ta hơn.
PV: Xin cảm ơn ông./.