Trưng bày 75 tác phẩm gốm độc đáo tại triển lãm mỹ thuật "Sắc Hạ"

VOV.VN - Triển lãm "Sắc Hạ" trưng bày 75 tác phẩm gốm nghệ thuật đa dạng, ngẫu hứng của 40 họa sĩ, nghệ nhân, nhà điêu khắc Câu lạc bộ Gốm nghệ thuật, hứa hẹn mang đến sự thích thú, bất ngờ cho công chúng.

Chiều 18/4, Triển lãm mỹ thuật "Sắc Hạ" đã khai mạc tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sự kiện có sự tham gia của đông đảo các họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà phê bình nghệ thuật và các nghệ nhân làng nghề gốm truyền thống.

"Sắc Hạ" là triển lãm thứ hai Câu lạc bộ Gốm nghệ thuật - Hội Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu đến công chúng sau triển lãm "Gốm Xuân" diễn ra trong dịp Xuân Tân Sửu. Nếu "Gốm Xuân" rực rỡ, tươi thơm, trau chuốt, óng ả thì "Gốm Sắc Hạ" với tác phẩm ráp thô, mộc mạc nhưng lóng lánh những táp lửa đầy ngẫu hứng. Mỗi sản phẩm khi thành hình khi định dạng đều đóng đinh một sự thích thú, bất ngờ.

Phát biểu tại buổi triển lãm, nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gốm nghệ thuật cho biết: "Triển lãm giới thiệu 75 tác phẩm nghệ thuật gốm phong phú, đa dạng của 40 hoạ sĩ, nghệ nhân điêu khắc,... Người xem có thể nhận thấy màu sắc đặc trưng của 3 làng nghề gốm Bát Tràng, Phù Lãng và Hương Canh cùng hiện diện nơi đây, không lạc nhịp mà cùng hoà điệu.

Lấy cảm hứng từ chất liệu ngồn ngộn sinh động của các làng nghề, các nghệ nhân đã bứt phá, tạo tác phom dáng, hình hài, sắc màu... gõ vào đất, nhắn nhủ thủ thỉ để đất cựa quậy cất lời ca và cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật đáng trân trọng. Mẻ gốm cuối cùng rời ngọn lửa hồng, nóng bỏng đưa thẳng từ lò nung đến không gian trưng bày mang hơi ấm của đất nâu gốm thơm cùng nhiệt tâm sáng tạo của tập thể nghệ sĩ Câu lạc bộ Gốm nghệ thuật.

Gốm Sắc Hạ mang tính ứng dụng cao, mang cả sự đa dạng, ngẫu hứng cùng xu hướng tạo hình hiện đại trình làng với công chúng thưởng ngoạn chắc chắn sẽ đem đến cảm xúc tròn đầy". 

75 tác phẩm trưng bày tại triển lãm cho thấy sự phong phú, đa dạng và cách tiếp cận đáng chú ý của nghệ thuật gốm từ sau đổi mới đến nay; đồng thời cho thấy tầm quan trọng của gốm như một chất liệu của điêu khắc, hội họa, đồ họa…

Đánh giá về các tác phẩm trong triển lãm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: "Những tác phẩm được trưng bày trong triển lãm đều là những tìm tòi, thử nghiệm mới. Các tác phẩm không co lại trong tạo hình gốm thuần tuý mà bản thân những kỹ thuật, ngôn ngữ được sử dụng, các màu men, dáng của gốm, bình, chai, đĩa,...hoàn toàn tạo nên một câu chuyện mới cho gốm đương đại.

Gốm Việt hiện nay không phải không gian đóng khép mà đang tiếp tục là không gian mở để chờ đón những sáng tạo mới của các nghệ sĩ gốm đương đại, không chỉ người chuyên tâm trong lĩnh vực này mà còn có sự xuất hiện của những nhà điêu khắc, hoạ sĩ hào hứng tham gia lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng. Về phía Hội Mỹ thuật Việt Nam, đây là tin hiệu vui, niềm hy vọng mới cho xu thế mới của lĩnh vực Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam, trong đó có gốm nghệ thuật".

Triển lãm quy tụ các nghệ nhân làng nghề như: Nghệ nhân Ưu tú Trần Nam Tước, Nghệ nhân Ưu tú Trần Đức Tân, Nghệ nhân Bùi Viết Dũng…; những tác phẩm nghệ thuật của các "gia đình gốm", như: Gia đình ba bố con họa sĩ Lê Ngọc Hân, Lê Minh Long, Lê Ngọc Ly,...Triển lãm cũng trưng bày tác phẩm của các hoạ sĩ, nhà điêu khắc tên tuổi như Nguyễn Kim Xuân, Phạm Sinh, Nguyễn Vân Anh, Nguyễn Quốc Huy, Nguyễn Thị Kim Đức.... với các tác phẩm gốm chất lượng cao. 

Là một trong số các tác giả có tác phẩm trưng bày trong triển lãm, hoạ sĩ Nguyễn Thị Kim Đức cho biết cũng như các thành viên trong câu lạc bộ, chị hy vọng thể hiện sự sáng tạo không giới hạn trên chất liệu gốm thông qua tác phẩm của mình. Hoạ sĩ Nguyễn Thị Kim Đức giới thiệu đến công chúng tác phẩm gốm Sen và bìa sách bằng gốm "Xứ Đoài mây trắng" của cố nhà văn Nguyễn Sơn Đỗng. 

Câu lạc bộ Gốm nghệ thuật được hình thành từ tình yêu và đam mê với nghệ thuật gốm, các nghệ sĩ và một số nghệ nhân làng nghề gốm cổ truyền. Đây là nơi giao lưu, trao đổi nghề nghiệp, sân chơi cho các hội viên và những người yêu gốm, với mong muốn sẽ phát triển ngành gốm và phát huy giá trị các làng nghề gốm truyền thống… Ra mắt trong dịp Tết Tân Sửu vừa qua nhưng câu lạc bộ đã quy tụ đông đảo các nghệ nhân ở các làng nghề gốm truyền thống tham gia với những hoạt động chuyên sâu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành gốm, đưa nghệ thuật gốm Việt lên một tầm cao mới

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá cao các hoạt động và nhấn mạnh vai trò của câu lạc bộ Gốm nghệ thuật trong sự phát triển của mỹ thuật ứng dụng nói chung, nghệ thuật gốm nói riêng: "Có thể nói câu lạc bộ Gốm nghệ thuật - Hội Mỹ thuật Việt Nam vừa mới ra đời, đây là bước ngoặt hết sức quan trọng cho lĩnh vực nghệ thuật ứng dụng. Như chúng ta biết rằng Làng nghệ còn tồn tại, vẫn đang tiếp tục những giá trị của quá khứ, truyền thồng, nhưng có lẽ trong suy nghĩ của các nghệ sĩ gốm chuyên nghiệp, không chuyên đều ước ao một cuộc lội ngược dòng để đóng góp lớn cho xu thế của gốm đương đại Việt Nam. Đặc biệt là tiếng nói mới của gốm nghệ thuật. 

"Đây là triển lãm thứ 2 của câu lạc bộ, so với lần trước, cuộc ra quân chỉ trong vòng một tháng, tiếp tục lộ trình thứ nhất, bây giờ là câu chuyện thứ hai của gốm đương đại Việt. Tôi cho rằng đây là một nỗ lực mới, một cố gắng của các nghệ sĩ để tiếp tục thay đổi ngôn ngữ của gốm đương đại.

Giữa làng nghề và gốm nghệ thuật đang xuất hiện, nảy nhánh ra ở trong một diện rộng hơn, không hẹp lại ở làng nghề truyền thống là bước chuyển hết sức quan trọng. Điều này làm cho bản thân, mẫu mã của gốm truyền thống có thời gian để tiếp nhận, tạo nên mẫu mới cho gốm Việt, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập, mở cửa hiện nay, thì gốm nghệ thuật của người Việt, từ truyền thống đến đương đại, tiếp tục tạo nên dấu ấn quan trọng trong xu thế hội nhập thế giới", hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn bày tỏ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Triển lãm thư pháp và sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh
Triển lãm thư pháp và sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh

VOV.VN - Tiếp sau Thành phố Hồ Chí Minh, bộ sưu tập 100 tác phẩm thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh tiếp tục đến với công chúng Hà Nội vào chiều 13/4 tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Triển lãm thư pháp và sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh

Triển lãm thư pháp và sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh

VOV.VN - Tiếp sau Thành phố Hồ Chí Minh, bộ sưu tập 100 tác phẩm thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh tiếp tục đến với công chúng Hà Nội vào chiều 13/4 tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Triển lãm “Nét và Hình” của họa sĩ Nguyễn Dương Đính
Triển lãm “Nét và Hình” của họa sĩ Nguyễn Dương Đính

VOV.VN - Vào ngày 18/4/2021, tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật Nhiếp ảnh, Hà Nội sẽ diễn ra triển lãm mỹ thuật “Nét và Hình” của họa sĩ Nguyễn Dương Đính (Inh Guyen, INH).

Triển lãm “Nét và Hình” của họa sĩ Nguyễn Dương Đính

Triển lãm “Nét và Hình” của họa sĩ Nguyễn Dương Đính

VOV.VN - Vào ngày 18/4/2021, tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật Nhiếp ảnh, Hà Nội sẽ diễn ra triển lãm mỹ thuật “Nét và Hình” của họa sĩ Nguyễn Dương Đính (Inh Guyen, INH).

Triển lãm “Lặng yên rực rỡ”: Những rung động nồng nhiệt của “Ấn tượng” và “Thân mật”
Triển lãm “Lặng yên rực rỡ”: Những rung động nồng nhiệt của “Ấn tượng” và “Thân mật”

VOV.VN - Triển lãm số “Lặng yên rực rỡ” – lần đầu tiên giới thiệu các kiệt tác của hai đại danh họa Claude Monet và Pierre Bonnard diễn ra tại VCCA đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của khán giả Việt.

Triển lãm “Lặng yên rực rỡ”: Những rung động nồng nhiệt của “Ấn tượng” và “Thân mật”

Triển lãm “Lặng yên rực rỡ”: Những rung động nồng nhiệt của “Ấn tượng” và “Thân mật”

VOV.VN - Triển lãm số “Lặng yên rực rỡ” – lần đầu tiên giới thiệu các kiệt tác của hai đại danh họa Claude Monet và Pierre Bonnard diễn ra tại VCCA đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của khán giả Việt.