Tranh cãi gay gắt sau thất bại của VĐV nhập tịch Trung Quốc ở Olympic mùa đông
VOV.VN - Sự thất bại của vận động viên trượt băng nghệ thuật nhập tịch Trung Quốc Châu Dị tại Olympic mùa đông Bắc Kinh đã gây ra một làn sóng chỉ trích của công chúng trên mạng xã hội và chủ đề về các vận động viên nhập tịch được bàn nhiều nhất trên mạng xã hội Trung Quốc trong những ngày qua.
Châu Dị phạm một sai lầm trong phần thi của đội trượt băng nghệ thuật Trung Quốc vào hôm 6/2 đã khiến thứ hạng của toàn đội rơi từ hạng 3 xuống hạng 5, không được tiến vào vòng trong. Sự kiện này đã trở thành chủ đề phổ biến nhất trên mạng Weibo, với hơn 200 triệu lượt người xem chỉ trong vài giờ và một bình luận tiêu cực nhận được hơn 12 nghìn lượt người thích và trả lời.
Cộng đồng mạng đã chỉ trích Châu Dị có phẩm chất tâm lý không vững vàng và cho rằng đây là thất bại trong chính sách nhập tịch các vận động viên nước ngoài. Thậm chí còn cho rằng vận động viên này đã đi “cửa sau” thông qua các mối quan hệ, do cha cô là Trưởng khoa Trí tuệ nhân tạo tại Đại học Bắc Kinh. Cộng đồng mạng kêu gọi thể thao trở lại với công chúng, đồng thời ngừng ủng hộ nhập tịch các vận động viên nước ngoài.
So với các vận động viên địa phương, thành tích thi đấu các môn thể thao của các vận động viên nhập tịch chịu sự theo dõi khắt khe của dư luận, điều này tồn tại ở hầu như tất cả các quốc gia. Lý do rất đơn giản, việc tuyển chọn một vận động viên nhập tịch đồng nghĩa với việc mất một suất của vận động viên nội. Chính vì điều đó, dư luận cảm thấy tiếc cho các tuyển thủ nội địa Trung Quốc vì không thể tham gia thi đấu. Do đó, phong độ thi đấu của các vận động viên nhập tịch không được như mong muốn và không thể hiện được tinh thần thi đấu đúng mực, chắc chắn họ cũng sẽ trở thành mục tiêu nhắm vào của dư luận xã hội.
Tuy nhiên, đội khúc côn cầu trên băng nam và nữ của Trung Quốc, sử dụng một số lượng lớn cầu thủ nhập tịch lại không gặp nhiều chỉ trích ở Trung Quốc. Trước các đội mạnh đến từ Âu Mỹ, đội tuyển khúc côn cầu trên băng nam và nữ Trung Quốc cũng rất khó giành được thành tích cao.
Ngay từ Thế vận hội Mùa đông PyeongChang, Hàn Quốc, Tổng cục Thể thao Trung Quốc đã chính thức công bố “Đề cương triển khai việc tham gia Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022”, trong đó nêu rõ mục tiêu tham gia tất cả các môn thi đấu. Do sự thiếu hụt nhân tài ở một số môn, nên việc nhập tịch các vận động viên ngoại một phần là để đảm bảo mục tiêu trên, phần khác là thể hiện sự gắn kết, sức mạnh dân tộc toàn diện và tinh thần dân tộc của nước chủ nhà.
Trung Quốc không phải là quốc gia mạnh về thể thao mùa đông, việc Trung Quốc cần phải đạt được bước “đột phá từ số không” trong sự kiện thể thao mùa đông nhằm tăng cường sự quan tâm của công chúng đến sự kiện này, đồng thời giới thiệu các vận động viên nhập tịch nhằm tạo môi trường sinh thái hoàn chỉnh như văn hóa thể thao.
Truyền thông Trung Quốc cho rằng, nhập tịch chỉ là nhất thời, bồi dưỡng tài năng mới là hướng đi đúng đắn tồn tại mãi mãi./.