Đại biểu Quốc hội lo ngại vì những vụ thảm sát và băng hoại đạo đức
VOV.VN - Từ những vụ án giết người thân vì nửa mét đất, vì nợ nần tiền bạc cho thấy sự băng hoại về đạo đức, về văn hóa gia đình.
Chiều 4/11, phát biểu tại Quốc hội về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho biết, theo thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, năm 2019 cả nước xảy ra 1.153 vụ án giết người, trong đó có những vụ án đặc biệt nghiêm trọng bởi tính chất dã man, tàn ác, mất hết tính người, trái với luân thường đạo lý.
Đáng lưu ý, nhiều vụ án giết người chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn). |
Qua theo dõi diễn biến của tội phạm này, bà Thủy nhận thấy có nhiều điểm bất thường so với giai đoạn trước đây, trong đó xảy ra nhiều vụ án giết người nhà, giết người thân. Theo thống kê, số lượng các vụ án mạng xảy ra trong gia đình chiếm từ 18 - 20 %, tức là khoảng 200 vụ/năm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến án mạng, nổi lên trong thời gian gần đây có nguyên nhân liên quan đến kinh tế. Như vụ án tại Đan Phượng, Hà Nội gây rúng động dư luận hồi tháng 9 vừa qua, chỉ vì nửa mét đất mà người anh đã ra tay sát hại 4 người trong gia đình em trai. Sau đó, dư luận lại bàng hoàng, chấn động trước vụ trọng án giết người ở Thái Nguyên, người anh trai đã dùng dao và súng truy sát cả gia đình người em gái cũng chỉ vì lý do kinh tế, nợ nần tiền bạc.
“Chỉ vì nguyên nhân kinh tế, song nhiều vụ án giết người thân lại mang tính chất thảm sát, giết nhiều người, đối tượng quyết liệt thực hiện đến cùng hành vi phạm tội, cho thấy thực trạng đáng lo ngại. Nhiều truyền thống đạo nghĩa tốt đẹp của gia đình Việt Nam, kính trên nhường dưới, tuân thủ tôn ti trật tự, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” đang có chiều hướng mờ nhạt nhiều đi trong một bộ phận người” – bà Nguyễn Thị Thủy cho biết.
Theo đại biểu đoàn Bắc Kạn, những mâu thuẫn tranh chấp trong nội bộ gia đình tích tụ lâu ngày nếu không được giải quyết triệt để thì dễ trở thành hành vi nguy hiểm, thậm chí trở thành tội ác. Những vụ án mạng trên không đơn giản là tranh chấp mâu thuẫn trong gia đình, mà ở đây là sự băng hoại về đạo đức, về văn hóa gia đình.
Ngoài lý do về kinh tế, có đến 40% vụ án giết người xảy ra là do mâu thuẫn bột phát nhất thời, trong đó nhiều vụ án xảy ra với lý do đơn giản như: va chạm giao thông, xích mích trong uống rượu bia hoặc đơn giản chỉ là không đồng ý với lời nói, cách ứng xử, hay cách nhìn.
“Chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt bột phát trong cuộc sống, nhưng các đối tượng đã ra tay giết người một cách quyết liệt, không suy nghĩ đến hậu quả đối với nạn nhân. Đáng lưu ý, nhiều vụ án vì những mâu thuẫn nhất thời, không có dự mưu trước, nhưng đối tượng đã ra tay hết sức tàn ác, giết cả những người không trực tiếp có mâu thuẫn, giết cả trẻ nhỏ”- bà Thủy nói.
Đề cập đến xu hướng trẻ hóa đối tượng phạm tội giết người, bà Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh đạo đức lối sống của một bộ phận người trẻ rất đáng báo động. Bên cạnh đó, xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn gia tăng, tính manh động, liều lĩnh của các đối tượng ngày càng cao. Đáng báo động hơn là nhiều người chứng kiến vụ án xảy ra nhưng không tìm cách cứu giúp mà còn vô cảm, thản nhiên dơ điện thoại quay clip, khiến đối tượng càng bị kích động mạnh.
Theo bà, xu hướng trẻ hóa tội phạm có nguyên nhân từ sự giáo dục trong gia đình bị buông lỏng, thiếu quan tâm; giáo dục trong nhà trường vẫn nặng kiến thức chuyên môn, còn tâm lý coi nhẹ môn giáo dục công dân. Cùng với đó là sự bùng nổ của công nghệ thông tin với những hình ảnh bạo lực tràn lan trên mạng, “giang hồ mạng” phô trương lối sống giang hồ nhưng lại được nhiều triệu lượt tương tác bình luận, thậm chí còn hâm mộ.
“Từ những vụ án giết người đã gióng lên tiếng chuông báo động về sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức trong một bộ phận người. Do đó, phòng ngừa tội phạm giết người không thể chỉ giao cho một mình các cơ quan tư pháp, mà phải là sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể. Trong đó phải có những giải pháp căn cơ đến từ giáo dục, từ văn hóa mới có thể tạo ra sự chuyển biến tích cực”- bà Nguyễn Thị Thủy cho hay.
Giá trị xã hội đang được quy thành giá cả hư ảo, hư danh
Cùng chung mối quan tâm, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho biết, mạng xã hội bên cạnh việc giúp con người tương tác nhanh hơn, đem lợi lợi ích cho cuộc sống còn có mặt tác hại không thể xem thường. Hành vi giang hồ, truyền bá thông tin sai lệch, xuyên tạc lịch sử, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, lối sống thực dụng, coi thường luân lý pháp luật, thiếu trách nhiệm với gia đình, người thân và xã hội... lan truyền nhanh trên mạng đã tác động không nhỏ đến một bộ phận giới trẻ dẫn đến hành vi lệch lạc, vi phạm pháp luật.
“Các clip của Khá Bảnh, không chỉ lớp trẻ mà những người lớn tuổi cũng coi như là thần tượng, được nhiều người chia sẻ” – ông Tô Văn Tám nêu dẫn chứng.
Đại biểu Tô Văn Tám. |
Theo đại biểu, một bộ phận trong xã hội đang có xu hướng bỏ giá trị, chạy theo giá cả. Các giá trị xã hội đang được quy thành giá cả hư ảo, hư danh thay cho chính danh nên chuyển lệch hành vi, dẫn đến vi phạm pháp luật.
Do đó, ông yêu cầu Báo cáo tư pháp nên đánh giá sâu thêm về nguyên nhân xã hội của tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật, để từ đó có giải pháp tốt, ngăn ngừa, loại trừ nguyên nhân xã hội này trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật./.
Tội phạm về ma túy, đối tượng nghiện ma túy có xu hướng trẻ hóa