Sạt lở đê biển nghiêm trọng ở Kiên Giang đe doạ hàng trăm hộ dân
VOV.VN - Đoạn đê biển Kim Quy - Tiểu Dừa dài khoảng 4,2 km hiện đang bị sạt lở sát chân đê hơn 10 điểm, mỗi điểm sạt lở 25 - 150m.
Mới vào đầu mùa mưa nhưng đoạn đê biển Kim Quy - Tiểu Dừa thuộc địa bàn 2 xã Vân Khánh và Vân Khánh Tây, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống cuả hàng trăm hộ dân sinh sống trong khu vực này.
Hình ảnh sạt lở đê biển ở khu vực Tiểu Dừa, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh (tỉnh Kiên Giang). |
Nhiều năm nay, khu vực này thường xuyên bị sạt lở nhưng vẫn chưa có biện pháp phòng chống hữu hiệu. Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang phải công bố tình trạng sạt lở đê biển nghiêm trọng, nguy hiểm tại khu vực này đồng thời kiến nghị Trung ương bố trí kinh phí triển khai dự án khắc phục khẩn cấp kè chống sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm trên tuyến bờ biển An Biên - An Minh để bảo vệ tuyến đê biển phía bên trong.
Đoạn đê biển Kim Quy - Tiểu Dừa dài khoảng 4,2 km hiện đang bị sạt lở sát chân đê hơn 10 điểm, mỗi điểm sạt lở 25 - 150m. Riêng đoạn đê giáp vàm Kim Quy bị sạt lở đứt hơn 250m khiến nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển bị cuốn trôi xuống biển. Một số nhà dân đã bị sụp lở xuống biển và hiện còn một số hộ nền nhà trong tình trạng sạt lở nhưng chưa di dời, rất nguy hiểm trong mùa mưa bão đang tới.
Ông Trương Quốc Thắng, ấp Kim Quy, xã Vân Khánh lo lắng: “Bây giờ tình hình sạt lở rất nghiêm trọng, đã ăn ruồng tới phần đất nhà tôi rồi mà chưa biết phải di dời đi đâu. Hiện có một số bà con yêu cầu mướn ghe đá cát mua đem về tấn đỡ nhưng không kịp nữa. Người dân rất hoang mang, nếu dông gió tới thì bà con rất sợ nhưng nếu di dời thì không biết di dời đi đâu”.
Trước đó, năm 2017 huyện An Minh đã cho gia cố bằng cừ tràm, cừ dừa và đắp đất để hạn chế, ngăn sạt lở, tuy nhiên, giải pháp tạm thời này không mang lại hiệu quả. Trước tác động của sóng biển, đê biển ở khu vực này tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng hơn.
Ông Thái Văn Bích, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Khánh cho biết: “Tình hình sạt lở vàm Kinh Quy của xã Vân Khánh hiện nay rất nghiêm trọng. Trong vòng 3 năm nay thôi, sạt lở đánh vỡ đứt đoạn đê quốc phòng. Do triều cường càng ngày càng tăng cao, khiến đê biển ngày càng sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của hơn 20 hộ dân tại đây và hàng trăm hộ dân khác trên tuyến này cũng bị ảnh hưởng. Hiện nay, mười mấy hộ này di dời tạm ở nhà bà con. Trong thời gian tới nguy cơ vỡ đoạn đê còn lại rất cao, ảnh hưởng vô sâu nhiều hộ dân nữa. Xã chỉ vận động bà con vô nơi an toàn tránh qua tình trạng này.
Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy lợi Kiên Giang cho biết: Tỉnh đề xuất Trung ương chấp thuận hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (Dự án WB9) để xây dựng công trình bảo vệ bờ biển với chiều dài khoảng 10 km đoạn từ vàm Tiểu Dừa đến Vàm Chủ Vàng, nhưng hiện tại chỉ đang ở bước chuẩn bị triển khai dự án, trong đó có đoạn Kim Quy - Tiểu Dừa thực hiện xử lý chống sạt lở lâu dài bằng kè phá sóng.
Trong khi chờ đợi kinh phí, UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các biện pháp an toàn cho đời sống, sản xuất của người dân trong khu vực sạt lở; cắm 20 biển báo tại các điểm sạt lở nguy hiểm; vận động nhân dân di dời đến nơi an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản, đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân; chuẩn bị phương án, sẵn sàng huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để hỗ trợ nhân dân di dời và ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra./.
Sạt lở đất trên đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) gây kẹt xe kéo dài
Sạt lở nghiêm trọng tấn công nhà dân ven sông Cái Bè
Lai Châu di chuyển gấp các hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở cao
Mưa lớn ở Sơn La gây sạt lở, ách tắc giao thông trên Quốc lộ 6