Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 12/6
VOV.VN - Công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị một số mã cổ phiếu cần quan tâm cho phiên giao dịch hôm nay 12/6.
Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu POW
Theo Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), giá cổ phiếu POW của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đã tăng 19% kể từ báo cáo khuyến nghị gần nhất của BSC, do đó BSC chuyển khuyến nghị từ mua sang nắm giữ với cổ phiếu POW.
>> Nhận định chứng khoán 12/6: Thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn
Trong năm 2024, BSC dự báo doanh thu POW đạt 31.043 tỷ đồng (tăng trưởng 11% so với năm ngoái), lợi nhuận sau thuế công ty mẹ dự kiến đạt 2.558 tỷ đồng (tăng trưởng 138%), trong đó đóng góp chính là: Sản lượng điện nhà máy Cà Mau 1, 2 và Vũng Áng 1 tăng lần lượt 9% và 56% nhờ nhu cầu điện tăng cao, giá nhiên liệu đầu vào duy trì mức thấp, trong kỳ các nhà máy không thực hiện đại tu; Sản lượng nhà máy NT2 và NT1 sụt giảm lần lượt 44% và 19% vì nguồn cung ở các mỏ khí gần bờ bị thiếu hụt, cần phải đợi phụ tải tăng cao để phát điện; Nhận bồi thường bảo hiểm với giả định ghi nhận 500 tỷ đồng/năm trong 2 năm.
So với báo cáo trước, BSC thay đổi một số giả định sau: Sản lượng điện của Cà Mau 1, 2 và Vũng Áng năm 2024 tăng 10% và 4% so với dự báo trước nhờ giá khí và than đang thấp hơn mức kỳ vọng và phụ tải 5 tháng đầu năm tăng trưởng 14%, vượt mức kỳ vọng tăng trưởng 9%.
Bên cạnh đó, doanh thu tài chính tăng 100%. Ở báo cáo trước, BSC đã không đưa tiền bồi thường bảo hiểm vào định giá vì có rủi ro POW không nhận được số tiền này.
Triển vọng kinh doanh năm 2024/2025: Nhà máy Cà Mau 1, 2 và Vũng Áng 1 được tăng cường huy động nhờ phụ tải tăng cao; Sản lượng của nhóm thủy điện dự báo sẽ tăng trưởng vào nửa cuối năm 2024 nhờ La nina; Nhà máy NT2 kỳ vọng sẽ được nhận nhiều khí hơn trong năm 2025 nhờ các dự án nhiệt điện BOT không còn được bao tiêu khí; Nhà máy NT3 và NT4 có thể lỗ khoảng 100 – 375 tỷ đồng trong năm đầu hoạt động (2025) và cải thiện trong các năm sau; Nhận bồi thường bảo hiểm khoảng 1.000 tỷ đồng - cao hơn 700 tỷ đồng so với kỳ vọng trong báo cáo trước.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PVD
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, doanh thu quý I/2024 của Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (mã chứng khoán PVD) tăng mạnh 43,1% so với cùng kỳ. Mảng dịch vụ khoan tăng 27% nhờ tăng giá cước 34% và phát sinh thêm doanh thu từ giàn đi thuê. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 19,4% lên 25,7% chủ yếu nhờ giá cước tăng mạnh trong khi cấu phần chi phí khấu hao trong giá vốn ước giảm 11%.
KBSV duy trì quan điểm rằng hiệu suất vẫn sẽ duy trì ở mức cao ít nhất trong 2 năm tới trong bối cảnh số giàn tự nâng trên 30 tuổi đang chiếm tới 32% tổng số giàn, trong khi số lượng đơn đặt hàng đóng mới/tổng số giàn (orderbook/fleet) chỉ chiếm 3,9% (năm 2014 đạt 31,1%). Giá cước thuê giàn tự nâng theo đó cũng được kỳ vọng duy trì ở mức cao trong giai đoạn này.
PVD có kế hoạch đầu tư 90 triệu USD cho 1 giàn tự nâng khoảng 10 năm tuổi dự kiến được đưa vào khai thác ngay từ đầu năm 2025. Hiện PVD đã phải chuyển mục tiêu sang một giàn khác do thời gian tái khởi động của mục tiêu ban đầu là quá dài, dẫn đến khó có thể đảm bảo đúng tiến độ cho khách hàng. KBSV vẫn kỳ vọng PVD có thể đưa giàn khoan mới vào hoạt động trong quý I/2025.
KBSV sử dụng kết hợp phương pháp chiết khấu dòng tiền doanh nghiệp (FCFF) để đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu PVD với mức giá mục tiêu là 38.100 đồng/cổ phiếu, tương đương với upside 18,7% so với giá đóng cửa 32.100 đồng/cổ phiếu ngày 11/6.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu GMD
Cũng theo KBSV, Quý I/2024, doanh thu thuần của Công ty CP Gemadept (mã chứng khoán GMD) đạt 1.006 tỷ đồng (tăng trưởng 11%), hoàn thành hơn 25% doanh thu kế hoạch đề ra. Trong đó, hoạt động cốt lõi khai thác cảng đóng góp 843 tỷ đồng (tăng trưởng 29%). Lợi nhuận sau thuế quý I/2024 của GMD tăng đến 157% đạt 656 tỷ đồng do GMD đã ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường hơn 335 tỷ đồng từ thương vụ thoái vốn Cảng Nam Hải trong kỳ.
Sản lượng qua toàn hệ thống cảng GMD 2024 dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 10 – 12% so với 2023 do triển vọng tích cực của hoạt động xuất nhập khẩu từ nay đến cuối năm, các tuyến dịch vụ mới liên tục được triển và năng lực khai thác các cảng của GMD liên tục được cải thiện.
Trong quý I/2024, GMD đã có sự điều chỉnh tăng giá cước dịch vụ trên toàn hệ thống cảng ở mức từ 3 – 10% tùy loại dịch vụ. Cùng với việc Thông tư 39/2023/TT-BGTVT về việc điều chỉnh khung giá dịch vụ cảng biển có hiệu lực từ 15/2/2014, dư địa tăng giá cước cảng biển của GMD đã được nới rộng hơn. Giá cước dịch vụ tại phía Bắc và phía Nam của GMD dự kiến tăng trưởng lần lượt ở mức 5% và 7-10% so với mức trung bình của 2023.
Dựa trên triển vọng doanh nghiệp và kết quả định giá, KBSV đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu GMD với mức giá mục tiêu là 100.600 đồng/cổ phiếu, cao hơn 15,8% so với giá đóng cửa ngày 10/6.