Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 18/1
VOV.VN - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị một số mã cổ phiếu cần quan tâm cho phiên giao dịch hôm nay 18/1.
>> Nhận định chứng khoán 18/1: VN-Index biến động hẹp quanh mức hiện tại
Khuyến nghị kém khả quan đối với cổ phiếu LPB
Công ty Chứng khoán Vietcap (VCSC) tăng giá mục tiêu cho Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (mã cổ phiếu LPB trên sàn HOSE) thêm 7,9% lên 13.700 đồng/cổ phiếu nhưng vẫn duy trì khuyến nghị kém khả quan.
VCSC cho rằng LPB đang được định giá khá cao với mức P/B năm 2024 là 1,1x so với mức trung vị của các ngân hàng là 1,0x, và ROE năm 2024 là 12,2% so với mức trung vị của các ngân hàng là 20,6%.
Giá mục tiêu cao hơn của VCSC chủ yếu là do tác động tích cực từ việc cập nhật mô hình định giá đến cuối năm 2024 và điều chỉnh giảm giả định của chúng tôi về chi phí vốn chủ sở hữu của LPB do cập nhật hệ số beta.
Diễn biến này bị ảnh hưởng một phần bởi mức giảm tổng cộng 2,9% trong dự báo của chúng tôi cho lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2023-2027 (với mức điều chỉnh lần lượt là 2,9%/5,5%/-0,7%/-7,2%/-7,6% cho năm 2023/2024/2025/2026/2027).
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MSH
Theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), Ban lãnh đạo CTCP May Sông Hồng (mã cổ phiếu MSH trên sàn HOSE) cho biết, đơn hàng tuy còn khá chậm nhưng đã bắt đầu quay trở lại từ quý IV/2023. PHS kỳ vọng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế 2023 đạt lần lượt 4.733 tỷ đồng (giảm 14,3% so với năm trước) và 245 tỷ đồng (giảm 27,6%), giảm lần lượt 4,5% và 9,3% so với dự phóng trước đó của chúng tôi. Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp 2023 sụt giảm xuống mức 13% so với mức 15% cùng kỳ năm ngoái do đơn giá đơn hàng dệt may giảm, năng suất của nhà máy Sông Hồng 10 ở mức thấp khi chỉ mới đạt 50%.
Điểm nhấn đầu tư: Sau khi làn sóng cắt giảm hàng tồn kho trên diện rộng kết thúc, các thương hiệu thời trang đang dần bổ sung hàng tồn kho trở lại kể từ quý IV/2023. MSH được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ sự hồi phục của đơn hàng dệt may khi mà các đối tác chính là Walmart và Target đều đang gia tăng các đơn hàng.
Bên cạnh đó, vào tháng 11/2023, MSH đã khởi công xây dựng nhà máy Xuân Trường II có tổng vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào cuối năm 2024. Về nhà máy may Sông Hồng 10, tính đến tháng 5/2023, nhà máy này đã hoạt động một nửa so với công suất thiết kế. Các nhà máy mới đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng năng suất cho các đơn hàng FOB, tạo động lực tăng trưởng trong tương lai.
Dựa trên mức nền thấp của năm 2023 và triển vọng gia tăng đơn hàng tại các thị trường xuất khẩu chính, chúng tôi cho rằng tình hình kinh doanh của MSH sẽ tăng trưởng ngay từ quý I/2024. Cho năm 2024F, PHS dự phóng doanh thu thuần của MSH sẽ tăng 10,9% đạt 5.252 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng 30% đạt 318 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp 2024F cải thiện lên mức 15% nhờ giá bông nguyên liệu đang trên đà giảm và tối ưu hóa công suất nhà máy may Sông Hồng 10 nhờ đơn hàng gia tăng.
Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, PHS ước tính mức giá hợp lý cho MSH là 55.900 đồng/cổ phiếu. Do đó, PHS đưa ra khuyến nghị mua cho MSH với mức tăng giá tiềm năng là 53%.
Rủi ro: Rủi ro nguồn nguyên liệu; Rủi ro cạnh tranh; Rủi ro tập trung khách hàng; Rủi ro nguồn lao động; Rủi ro tỷ giá hối đoái.
Khuyến nghị khả quan cổ phiếu PC1
Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) khuyến nghị khả quan cổ phiếu PC1 của CTCP Tập đoàn PC1 với giá mục tiêu 33.000 đồng/cổ phiếu.
Theo VND, với vị thế dẫn đầu trong mảng xây lắp điện tại Việt Nam, PC1 được kỳ vọng sẽ giành được các gói thầu giá trị lớn từ dự án đường dây truyền tải 500kV Quảng Trạch - Phổ Nội.
Dự án trọng điểm này bao gồm 4 đoạn, có chiều dài 514 km và vốn đầu tư tổng cộng 23.000 tỷ đồng. Việc thi công cho đoạn đầu tiên đã bắt đầu từ tháng 10-2023.
Theo ước tính của VND, tổng giá trị của đơn hàng chưa thực hiện (backlog) dự kiến sẽ tăng 30% so với cùng kỳ, đạt 11.390 tỷ đồng trong năm 2024. Đồng thời, doanh thu từ việc xây lắp điện của PC1 được dự kiến sẽ tăng lần lượt là 77,7% và 14,2% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2024-2025.
Với dự báo El Nino suy yếu vào giữa năm 2024, nguồn nước về hồ chứa dồi dào hơn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sản lượng thủy điện của PC1 tăng 16% so với cùng kỳ trong năm 2024. Điều này sẽ giúp mảng điện phục hồi với lợi nhuận gộp tăng trưởng 13,3% so với cùng kỳ.
Mảng kinh doanh Niken của PC1 đang hưởng lợi từ nhu cầu ngày càng tăng về xe điện và các công nghệ sạch. Ngoài ra, mảng bất động sản khu công nghiệp cũng phát triển mạnh mẽ do lượng vốn FDI đổ vào miền Bắc ngày càng gia tăng.