Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/1
VOV.VN - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị một số mã cổ phiếu cần quan tâm cho phiên giao dịch hôm nay 23/1.
Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu FPT
Công ty Chứng khoán VNDIRECT khuyến nghị khả quan cổ phiếu FPT của CTCP FPT với giá mục tiêu 117.300 đồng/cổ phiếu.
Trong năm 2023, doanh thu của FPT tăng 19,5% so với cùng kỳ, đạt 52.618 tỷ đồng, lợi nhuận ròng tăng 22,2% so với cùng kỳ, ở mức 6.470 tỷ đồng, hoàn thành 97,8% dự báo của VNDIRECT.
Bên cạnh đó, năm 2023 đánh dấu cột mốc doanh thu mảng dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) nước ngoài của FPT đạt 24.288 tỷ đồng (1 tỷ USD), tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu ký mới của mảng CNTT nước ngoài tăng 37,6%, đạt 29.777 tỷ đồng, trong đó có 37 dự án với quy mô trên 5 triệu USD.
FPT đặt mục tiêu doanh thu mảng CNTT nước ngoài đạt 5 tỷ USD vào năm 2030 (tương đương mức tăng trưởng kép 26% trong giai đoạn năm 2024-2030).
Đầu năm 2024, Tổ chức Giáo dục FPT liên tiếp công bố khởi công xây trường học tại Hậu Giang, Thanh Hóa và Huế; nhanh chóng mở rộng hệ thống đến 11 tỉnh, thành phố với 13 trường học. Theo VNDIRECT, sự mở rộng này sẽ giúp cung cấp một lực lượng lao động có tay nghề cao, đảm bảo sự tăng trưởng bền vững cho chính FPT.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DHC
Theo Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), giá nguyên vật liệu hạ nhiệt, giá bán Tesliner và Medium có thể tăng giúp tăng biên lợi nhuận của Công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre (mã DHC). Nguyên vật liệu trong sản xuất sản phẩm giấy Kraft chiếm tỷ trọng lên tới 70% trong cấu thành giá vốn, trong đó thành phần chính là nguyên liệu giấy phế liệu OCC. Do vậy, biến động giá OCC sẽ ảnh hưởng lớn tới biên lợi nhuận của DHC.
Từ quý IV/2022, giá OCC đã giảm khá sâu, OCC châu Âu giảm từ 233 USD tại quý II/2022 về 163 USD (giảm 30,4%) trong quý IV/2022. Giá OCC có xu hướng đi ngang ổn định trong năm 2023 quanh 150 USD. Giá bán Tesliner và Medium cũng được dự báo khởi sắc trở lại bắt đầu từ giai đoạn tháng 10/2023. CSI kỳ vọng biên lợi nhuận gộp DHC sẽ cải thiện về mức 19% trong năm 2024 nhờ nhu cầu giấy tăng trở lại và chi phí nguyên vật liệu ổn định.
Trong dài hạn, nhu cầu về giấy tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trên 2 chữ số đạt từ 14-18% trong 5-10 năm tới. Tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam vẫn còn thấp (42% tính đến tháng 9/2023), còn cách khá xa tỷ lệ đô thị hóa mục tiêu đạt 50% vào năm 2030. Đồng thời kỳ vọng từ sự phục hồi của các doanh nghiệp xuất khẩu, dòng vốn FDI tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam. Từ đó, nhu cầu về giấy bao bì cũng sẽ tăng cao trở lại.
DHC vẫn còn khả năng gia tăng công suất và phát triển sản phẩm Kraftliner nhờ dự án Giao Long 3. Mặc dù thị trường giấy Kraft cạnh tranh khá gay gắt, công suất dư thừa đến 2 triệu tấn, song Đông Hải Bến Tre vẫn khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường. DHC chiếm đến 6% thị phần, các nhà máy giấy của DHC cũng hoạt động vượt công suất. Thị trường đang dư thừa công suất tuy nhiên những sản phẩm Kraftliner chất lượng cao vẫn phải nhập khẩu. Dự án Đông Hải Bến Tre ưu tiên hướng đến sản xuất những sản phẩm giấy Kraft chất lượng cao.
Tuy nhiên, rủi ro biến động giá nguyên vật liệu ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận doanh nghiệp. Thêm vào đó là rủi ro về cạnh tranh. Ngành giấy bao bì là một trong những ngành có sự cạnh tranh rất lớn do rào cản tham gia thị trường thấp. Đồng thời, doanh nghiệp trong nước còn phải cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trong khu vực Đông Nam Á khi Malaysia dư thừa 3 triệu tấn mỗi năm, Indonesia dư thừa 2 triệu tấn. Điều đó dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trong ngành tại thị trường Việt Nam, đặc biệt tới từ những doanh nghiệp Trung Quốc khi nước này dịch chuyển các nhà máy sản xuất giấy tái chế sang các nước lân cận.
CSI đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DHC. Theo đó, sử dụng 2 phương pháp so sánh FCFF và P/E với tỷ lệ lần lượt là 60% và 40%, CSI đánh giá giá trị hợp lý của cổ phiếu DHC ở mức 56.300 đồng/cổ phiếu tại thời điểm cuối năm 2024.
Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu LHG
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu LHG của CTCP Long Hậu với giá mục tiêu được giữ nguyên là 50.000 đồng/cổ phiếu.
Theo VDSC, Long Hậu ghi nhận sự phục hồi mạnh trong quý IV/2023 so với các quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, doanh thu đạt 145 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế cũng tăng 104% lên 62 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2023, doanh thu đạt 395 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ (hoàn thành 43% kế hoạch năm) và lợi nhuận sau thuế 166 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ nhưng hoàn thành 131% kế hoạch. Tương đương tỉ suất lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) 2023 đạt 3.329 đồng.
Trong kịch bản cơ sở của năm 2024, VDSC dự báo doanh thu của LHG ở mức 539 tỷ đồng (tăng 37% so với cùng kỳ) và 192 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 15% so với cùng kỳ) nhờ tốc độ bán hàng phục hồi và diện tích nhà xưởng sản xuất cho thuê tăng lên. EPS 2024 ước tính là 3.837 đồng/cổ phiếu.
>> Nhận định chứng khoán 23/1: Thị trường có thể tiếp tục đà tăng