Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 30/10
VOV.VN - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị một số mã cổ phiếu cần quan tâm cho phiên giao dịch hôm nay 30/10.
>> Nhận định chứng khoán 30/10: Rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao
Tăng trưởng âm 4 quý liền, SAB vẫn giữ được mốc lợi nhuận ngàn tỷ
Theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB) cho thấy, doanh nghiệp ghi nhận 7,415 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 14% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp giảm nhẹ 1 điểm % so với cùng kỳ, xuống còn 30%.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng 31% lên 373 tỷ đồng, nhờ lãi tiền gửi tăng. Hơn nữa, các phi phí cũng không có biến động nhiều. Sau cùng, SAB báo lãi ròng 1,044 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ. Đây cũng là quý thứ tư liên tiếp, Công ty ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm.
Lũy kế 9 tháng của năm 2023, SAB đạt 21,941 tỷ đồng doanh thu thuần và 3,289 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm tương ứng 12% và 26% so với cùng kỳ; thực hiện được 54% kế hoạch doanh thu và 57% mục tiêu lợi nhuận năm. Lãi ròng cũng giảm 24% còn 3,171 tỷ đồng.
VIB lợi nhuận 9 tháng đạt trên 8,300 tỷ, tăng trưởng 7% so với cùng kỳ
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HOSE: VIB) vừa công bố kết quả kinh doanh cho 9 tháng của năm 2023 với doanh thu đạt trên 16,300 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi đạt 13,000 tỷ đồng, tăng 18% và thu nhập ngoài lãi đóng góp 20% vào tổng thu nhập hoạt động. Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt, ở mức 4,840 tỷ đồng, chỉ tăng 4.5% so với năm trước. Nhờ vậy, hệ số chi phí/doanh thu (CIR) của VIB giảm còn 30% và là một trong những ngân hàng bán lẻ có hiệu quả quản trị chi phí dẫn đầu ngành.
Lợi nhuận trước dự phòng tín dụng của VIB tăng trưởng vượt bậc, đạt gần 11,500 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng quý 3 đạt 4,300 tỷ đồng - mức cao nhất của ngân hàng từ trước đến nay. Lợi nhuận trước thuế đạt 8,325 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 27%, duy trì hiệu quả sinh lời top đầu ngành.
Tại ngày 30/9, tổng tài sản VIB đạt 384,500 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng đạt gần 247,000 tỷ đồng, tăng 5.5% so với đầu năm. Trong đó, đáng chú ý tăng trưởng tín dụng riêng quý 3 của VIB đạt hơn 4.5%, gấp đôi so với tăng trưởng tín dụng trung bình toàn ngành ngân hàng trong quý 3 - khoảng 2.2%. Nợ xấu của VIB hiện được duy trì ở mức 2,47%, giảm so với mức đỉnh 2,62% vào cuối quý 1/2023 và đang có xu hướng tiếp tục giảm.
Vicostone (VCS) báo lãi quý 3 giảm nhẹ, nắm hơn nghìn tỷ tiền mặt
CTCP Vicostone (mã VCS) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 với doanh thu đạt 1.028 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Giá vốn giảm chậm hơn khiến biên lãi gộp bị co lại từ 31% cùng kỳ xuống còn 28%. Lợi nhuận gộp tương ứng đạt 291 tỷ đồng, giảm 15% so với quý 3/2022.
Trong quý 3, các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều được tiết giảm so với cùng kỳ. Kết quả, Vicostone lãi trước thuế 230 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm khoảng 3% so với quý 3/2022, xuống mức 195 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng của năm 2023, Vicostone ghi nhận doanh thuần đạt 3.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 718 tỷ đồng, lần lượt giảm 28% và 36% so với cùng kỳ. Lãi ròng thu về 609 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả đạt được, công ty mới thực hiện được 68% kế hoạch lợi nhuận cả năm trong kịch bản thận trọng.
Đánh giá lại cổ phiếu PVS
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, luận điểm dành cho Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS – sàn HNX), thứ nhất là sự kỳ vọng tăng trưởng đầu tư vào khâu thượng nguồn toàn cầu.
Theo dự báo, dòng vốn vẫn sẽ đổ 2025-2030. Hơn nữa, chúng tôi quan sát thấy hoạt động thăm dò khai thác khâu thượng nguồn tại khu vực Trung Đông đang rất nóng khi các quốc gia đang đẩy mạnh khai thác trong giai đoạn 2023-2030, để sau đó dần giảm sự lệ thuộc nguồn thu vào dầu khí. Hiện PVS đang gấp rút đấu thầu một số dự án lớn tại Quota. Chúng tôi kỳ vọng những dự án mới tại Trung Đông sẽ tạo nên khối lượng công việc khổng lồ cho Công ty.
Thứ hai là tiềm năng từ mảng năng lượng tái tạo. Với xu thế ưu chuộng năng lượng tái tạo thì ngành điện gió toàn cầu có thể tăng rất mạnh trong 10 năm tới. PVS dù mới chỉ thâm nhập ngành không cao nhưng chúng tôi đánh giá cao tiềm năng của ngành trong khu vực do: số lượng đối thủ trong ngành xây lắp điện gió ngoài khơi rất ít trong khi số lượng nhà thầu năng lượng hàng đầu tại châu Á không muốn tham gia vào thị trường; PVS có lợi thế vượt trội về bãi cảng. Chúng tôi kỳ vọng biên lợi nhuận gộp từ mảng này sẽ cải thiện từ năm 2024 sau thời gian đầu hy sinh lợi nhuận để thâm nhập ngành.