Giá cà phê đảo chiều đi xuống, cần làm gì để thích ứng với thị trường?
VOV.VN - Lý giải nguyên nhân giá cà phê giảm và những giải pháp hạn chế thiệt hại do biến động này về lâu dài, phóng viên VOV tại khu vực Tây Nguyên đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột về nội dung này.
Sau thời gian tăng giá liên tục, mấy ngày gần đây giá cà phê robusta quay đầu giảm, có lúc lùi sâu về dưới mức 5.000 USD/tấn. Đây là lần biến động mạnh nhất trong nhiều tháng qua. Lý giải nguyên nhân giá cà phê giảm và những giải pháp hạn chế thiệt hại do biến động này về lâu dài, phóng viên VOV, thường trú tại Tây Nguyên, có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột về nội dung này.
PV: Thưa ông, ngay từ đầu vụ thu hoạch, giá cà phê liên tục tăng, có thời điểm tăng đến hơn 130.000 đồng/kg nhân xô, nhưng vài ngày trở lại đây giá cà phê lại đảo chiều liên tục đi xuống. Theo ông đâu là lý do giá cà phê sụt giảm?
Ông Trịnh Đức Minh: Trước hết thị trường cà phê là thị trường lấy các sàn giao dịch cà phê trên thế giới làm tham chiếu. Bản chất của nó là nơi người ta buôn bán thu hút những dòng vốn đầu tư về để sinh lời. Trong thời gian vừa qua, với những biến động của thị trường thế giới của tình hình chính trị, kinh tế thế giới nói chung các dòng vốn đầu tư thường là chuyển dịch qua cho các nông sản hàng hóa, trong đó có cà phê là rõ rệt nhất, tăng giá rất dài. Mà thường tăng giá đó khi người ta mua quá nhiều rồi thì phải bán để kiếm lời, giá sẽ biến động đi xuống.
PV: Vậy để hạn chế tình trạng này, theo ông đâu là giải pháp?
Ông Trịnh Đức Minh: Nếu chúng ta là những người sản xuất thì không chạy theo, đầu cơ theo. Trong vòng có mấy ngày, mà 1 tấn cà phê xuống gần 1.000 USD. Như vậy có thể nói những người đã mua đắt trước đây, những người trung gian, những đại lý mà ôm hàng khi giá không tăng nữa thì coi như là một sự khủng hoảng lớn, sụp đổ luôn.
Bài học rút ra là, không chạy theo đầu cơ ở trên các sàn. Chúng ta không chạy theo bởi biết nó là tham chiếu. Một cách khác là chúng ta phải làm ra những hạt cà phê có chất lượng và bán ra thị trường với chất lượng mình đang có, với danh tiếng làm cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản thì cà phê Robusta Việt Nam không bị mua rẻ, không bị trả giá thấp chứ không phải chúng ta chạy theo bằng mọi giá để kiếm lời trong ngắn hạn.
PV: Vậy theo ông phải chăng ngành hàng cà phê đang thiếu sự liên kết trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm?
Ông Trịnh Đức Minh: Qua những biến động vậy thì giữa doanh nghiệp với người nông dân và đặc biệt là các tổ chức sản xuất của người nông dân, chúng ta phải tổ chức liên kết bền vững. Dù giá cả có lên xuống thế nào thì các liên kết đó phải ngồi lại và thích ứng với nó một cách liên tục, chỉ có cách đó mới vượt qua được sóng gió của thị trường.
PV: Xin cám ơn ông.