Trang phục dân tộc bánh mì của H'Hen Niê có xứng đại diện Việt Nam?
Bộ trang phục dân tộc có tên Bánh mì có xứng đáng đại diện Việt Nam trong mắt quốc tế? Đây là chủ để tranh cãi nảy lửa sau khi bộ váy được công bố.
Trước khi Hoa hậu H'Hen Niê công bố Bánh mì là trang phục dân tộc (khác với "quốc phục") chính thức tại Hoa hậu Hoàn vũ năm nay, bộ đồ đã gây tranh cãi vì chủ đề của nó. Sau khi công bố, cuộc tranh cãi càng bùng lên ở nhiều diễn đàn và các trang cá nhân.
Đây không phải là năm đầu tiên thí sinh Việt Nam tại Hoa hậu Hoàn vũ sử dụng trang phục dân tộc hoàn toàn mới so với áo dài thông thường. Trước đó từng có bộ Nàng mây của Á hậu Lệ Hằng vào năm 2016 và bộ Hồn Việt của Nguyễn Thị Loan vào năm 2017. Trong khi Hồn Việt không để lại nhiều ấn tượng, Nàng mây lại rất được khen ngợi vì kiểu dáng đẹp, ý nghĩa tôn vinh nghề mây tre đan truyền thống của Việt Nam.
Nhưng chưa bộ trang phục nào gây tranh cãi dữ dội như Bánh mì, từ khi công bố mẫu thiết kế dự thi vào năm 2017 đến khi chính thức được chọn với phiên bản mới nhất.
Bánh mì có xứng đáng đại diện Việt Nam?
Phản đối bộ Bánh mì, nhiều người đưa ra lý lẽ bánh mì có xuất xứ là sản phẩm của văn hóa ẩm thực Pháp, được Pháp đưa sang Việt Nam và du nhập vào văn hóa Việt Nam, chứ không nguyên gốc Việt Nam, nên không xứng đáng đại diện cho văn hóa Việt Nam.
Hoa hậu H'Hen Niê khi công bố váy Bánh mì là trang phục dân tộc của Việt Nam tại Hoa hậu Hoàn vũ 2018. Ảnh: Nguyễn Thành. |
Đây là lý lẽ phổ biến nhất trên mạng xã hội. Một diễn đàn trích dẫn ý kiến của bà Nguyễn Thị Thúy Nga, chuyên gia đào tạo hoa hậu tại Việt Nam, đặt câu hỏi: "Bánh mì có bao giờ là đặc trưng ẩm thực của Việt Nam? Với cách nghĩ thô thiển như vậy thì sang năm chắc sẽ lại có trang phục phở, bún đậu mắm tôm, hay xích lô cũng nên".
Nhiều độc giả lại cho rằng nếu có trang phục phở hay các món ăn truyền thống khác thì cũng rất thú vị, họ mong đợi được xem các mẫu thiết kế này.
Và trước ý kiến "bánh mì xuất xứ Pháp nên không thể đại diện Việt Nam", có một luồng ý kiến đối lập. Theo họ, loại bánh mì nổi tiếng của Pháp có tên là "baguette", thường có chiều dài đến 60-70 cm. Baguette là biểu tượng của ẩm thực Pháp, nhưng bánh mì Việt Nam ngày nay hoàn toàn không phải là baguette.
Đó là "bánh mì", hay "banh mi" trong từ điển tiếng Anh Oxford, được dùng nguyên trạng chứ không phải "Vietnamese baguette" hay "Vietnamese bread". Hơn nữa, từ điển Oxford chú thích "banh mi" được nướng với công thức và cách thức truyền thống của Việt Nam, với phần nhân đặc trưng thường gồm thịt, rau và tương ớt.
Năm 2014, BBC News từng có bài báo "Liệu bánh mì có phải là loại bánh kẹp ngon nhất thế giới?". Tác giả khẳng định bánh mì Việt Nam là sản phẩm giao thoa của chính trị và văn hóa. Món ăn mang dấu ấn quá khứ thuộc địa của Việt Nam, nhưng cũng thể hiện sự sáng tạo của người Việt khi tái tạo chiếc bánh theo cách riêng, bổ sung phần nhân riêng và khiến nó trở nên ngon lành hơn cả bản gốc.
Hình ảnh chiếc bánh mì Việt Nam trên CNN trong một bài đánh giá du lịch công phu vào tháng 9 năm nay. |
Mới đây nhất, hồi tháng 9, mục Du lịch của CNN cũng có bài viết về cuộc "truy tìm" chiếc bánh mì ngon nhất Việt Nam, thực chất là đánh giá những hiệu bánh mì ngon nhất ở Hội An. Bài báo nhắc đến một hàng bánh mì ở Hội An, nơi mà cách đây 7 năm, môt khách du lịch người Mỹ cầm máy quay phim ghé thăm, ăn bánh mì và ca ngợi: "Đây là chiếc bánh mì ngon nhất thế giới".
Người đàn ông đó là đầu bếp nổi tiếng quá cố Anthony Bourdain. Lời khen đó đã đưa thương hiệu bánh mì Việt Nam trở nên nổi tiếng hơn nữa.
Trả lời Zing.vn, Hoa hậu H'Hen Niê từng nói: "Dù bạn đi đến nơi nghèo nhất ở miền Bắc và Tây Nguyên, hay những nơi xa hoa nhất của TP.HCM và Hà Nội, bạn đều sẽ thấy sự hiện diện của bánh mì.
Với độ nổi tiếng đó, khó có thể tước đi của bánh mì một vị trí trong văn hóa ẩm thực Việt Nam và nền văn hóa Việt Nam nói chung. Với xe tuk-tuk, Thái Lan làm nên một bộ trang phục dân tộc thắng giải tại Hoa hậu Hoàn vũ 2015. Xe tuk-tuk không phải tài sản riêng của Thái Lan mà có ở một số quốc gia khác, nhưng Thái Lan rất khéo léo biến chiếc xe này thành bản sắc của mình.
Bánh mì sao chép ý tưởng váy lẩu Tom Yum của Thái Lan?
Trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ lẫn những cuộc thi sắc đẹp khác, việc thiết kế trang phục dân tộc dựa trên món ăn nổi tiếng của quốc gia đã có tiền lệ.
Váy lẩu Tom Yum xuất hiện trên sân khấu Hoa hậu Hòa bình Thái Lan vào tháng 8/2018, trong khi thiết kế váy Bánh mỳ đã có từ giữa năm 2017. Ảnh: Miss Grand Thailand. |
Sáng tạo hay kệch cỡm, đu bám?
Theo BTC Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, những năm về sau, BTC sẽ càng lựa chọn những mẫu thiết kế trang phục dân tộc có ý tưởng độc đáo và đột phá cho Hoa hậu Hoàn vũ. Khó có khả năng đại diện cuộc thi này quay lại với áo dài an toàn và quá quen thuộc. Bởi vậy, BTC cũng chuẩn bị tâm lý để đón nhận những cuộc tranh cãi mới.
Nhà thiết kế Tăng Thành Công viết trên trang cá nhân: "Tôi cảm thấy tôn trọng sự sáng tạo của những bạn trẻ và cách tiếp thu cái mới của Hoa hậu H'Hen Niê và ê-kíp.
"Không thay đổi thì sẽ là thiếu sáng tạo.
Công chúng phản ứng khá tích cực với váy Bánh mì trên một bài đăng của Thái Lan. Ảnh: Chụp màn hình. |