Đang giải trình tự gene virus SARS-CoV-2 của BN867
VOV.VN - Bộ Y tế đang tiến hành giải trình tự gene virus SARS-CoV-2 của BN867 để xác định liệu có tương đông với chủng virus ở Đà Nẵng hay không.
Sáng 14/8, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã thông tin diễn biến và đánh giá các ổ dịch tại Đà Nẵng, một số khu vực ở Quảng Nam và mới nhất tại Hải Dương. Trong đó, việc xuất hiện chùm ca bệnh tại Hải Dương là điều đáng lo ngại.
Theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, điều tra toàn bộ lịch sử dịch tễ của BN867 ca mắc Covid-19 phát hiện đầu tiên trong chùm ca bệnh tại Hải Dương cho thấy, có thể bệnh nhân phát bệnh từ ngày 30/7 và trước đó từ 3-5 ngày có thể bệnh nhân đã tiếp xúc với nguồn lây nhiễm.
“Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành giải trình tự gene virus và sẽ sớm có kết quả để xác định liệu chủng virus này có tương đồng với virus SARS-CoV-2 tại Đà Nẵng hay không. Điều đáng ngại là quán ăn nơi bệnh nhân làm việc là nơi rất đông thực khách, trong khi nhân viên phục vụ hầu như không đeo khẩu trang. Do vậy, việc TP Hải Dương ra quyết định giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 là hoàn toàn đúng đắn để khống chế ổ dịch này”, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Theo đó, Bộ Y tế cũng sẽ hỗ trợ Hải Dương triển khai khoanh vùng, dập dịch, đặc biệt, tăng cường lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng. Tất cả những người có liên quan và từng đến quán ăn này phải được lấy mẫu xét nghiệm thật nhanh. Bộ Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ Hải Dương trong các vấn đề về truy vết, cách ly…
Với ổ dịch tại Đà Nẵng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết vẫn còn một số nơi cần phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ. Trong đó, có khu chung cư Đặng Hiên Đông - nơi có 19.000 người sinh sống. Các lượng lượng chức năng Đà Nẵng đã tiến hành phong tỏa khu vực này và phát hiện nhiều ca lây nhiễm tại đây: “Tất ca cư dân tại đây đều được lấy mẫu xét nghiệm và tiếp tục mở rộng xét nghiệm tại cộng đồng. Đà Nẵng có thể kiểm soát được dịch bệnh đến cuối tháng này, song tất cả đều phải được theo dõi chặt chẽ cùng với các biện pháp ứng phó dịch”.
Trong khi đó, tại Quảng Nam đã lấy 38.000 mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, tốc độ lấy mẫu còn chậm cả ở Đà Nẵng và Quảng Nam. Khoảng thời gian từ khi ca bệnh tiếp xúc đến lấy mẫu, có kết quả xét nghiệm mất từ 7-10 ngày. Điều này có thể khiến tốc độ lây lan của dịch nhanh hơn.
“Chúng tôi đang yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu và làm xét nghiệm. Với 2 khu vực Đà Nẵng và Quảng Nam, Đà Nẵng có khả năng sẽ sớm hết dịch hơn. Quảng Nam chỉ giãn cách xã hội một số khu vực, do vậy khả năng lây nhiễm trong cộng đồng vẫn còn. Chỉ khi không còn các ca bệnh trong cộng đồng, thì mỡ dỡ bỏ được giãn cách”, ông Long nói.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, thời gian tới, Việt Nam sẽ không còn “khoảng yên bình” vì dịch sẽ xuất hiện tại nhiều khu vực, nhất là khi bước vào mùa Đông Xuân, với điều kiện thời tiết thuận lợi cho lây nhiễm. Do đó, cần nâng cao ý thức của người dân trong thực hiện các biện pháp phòng bệnh thông thường nhưng hiệu quả như đeo khẩu trang mỗi khi ra khỏi nhà, thậm chí cần những chế tài xử phạt.
Thông báo với Ban Chỉ đạo về tình hình dịch tại Hà Nội và TP HCM, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đánh giá Hà Nội có yếu tố nguy cơ khi có số lượng lớn người đi du lịch từ Đà Nẵng về. Bộ Y tế đã hỗ trợ toàn diện với Hà Nội, đặc biệt trong vấn đề xét nghiệm. Trong tổng số khoảng 30.000 mẫu xét nghiệm lấy tại Hà Nội chưa phát nhiệm ca dương tính nào. Bộ Y tế đã yêu cầu Giám đốc sở Y tế Hà Nội mở rộng lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cả trong các bệnh viện.
Với TP HCM, lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá TP HCM đã làm rất mạnh công tác ứng phó dịch bệnh. Đặc biệt là việc xử phạt những trường hợp ra đường không đeo khẩu trang. Trên địa bàn thành phố cũng thực hiện xét nghiệm hơn 40.000 mẫu và không phát hiện thêm ca mắc mới./.