Báo chí điện tử: Sự phát triển ồ ạt và những hệ lụy
VOV.VN - Vi phạm bản quyền, xâm phạm đời tư, gây tổn hại danh dự của người khác, quảng cáo trá hình… là những lỗi mà nhiều báo mạng hiện nay đang mắc
Vài năm trở lại đây, hệ thống báo điện tử ở nước ta bước vào giai đoạn phát triển rầm rộ với lượng thông tin áp đảo hàng ngày. Tuy nhiên, do chất không theo kịp lượng nên đã dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Tiện lợi, nhanh chóng, nhiều tin nóng là những gì mà báo điện tử cùng các trang mạng thông tin tổng hợp mang lại cho người đọc.
Ở một quốc gia có hơn 16 triệu người sử dụng internet hàng tháng như Việt Nam, báo chí điện tử ngày càng có nhiều đất để phát triển. Không dừng lại ở đó, loại hình báo chí hiện đại này còn được tiếp thêm cơ hội “mở kênh” khi hiện nay cả nước ta có tới 30 triệu người sử dụng mạng xã hội.
Nhu cầu tiếp cận thông tin của độc giả trong thời đại công nghệ số là rất lớn, vì thế, các trang báo điện tử, các trang mạng thông tin tổng hợp xuất hiện như “nấm mọc sau mưa”. Không thể phủ nhận lợi thế của báo điện tử và các trang mạng bởi nó giúp người đọc nhanh chóng tìm được nhiều kênh thông tin mình cần nhưng, chính sự cạnh tranh quá khắc nghiệt của môi trường số đang khiến không ít tờ báo điện tử đi chệch hướng, ảnh hưởng tiêu cực đến người xem.
Anh Lê Thái Quốc, một người dân ở quận Bình Thạnh nói: “Bây giờ, nhiều tờ báo điện tử đua nhau đăng tin chụp giật để câu khách. Người nào cũng muốn tin mình up lên nhanh nhất nên sẽ có những sai sót. Báo điện tử bây giờ hầu hết là đăng những tin tôi không thích đọc như giết người, cướp của… những tin gây cho người đọc cảm giác không thoải mái”.
Vi phạm bản quyền, xâm phạm đời tư, gây tổn hại danh dự của người khác, quảng cáo trá hình… là những lỗi mà nhiều báo mạng hiện nay đang mắc phải. Do cần lượng truy cập cao để thu hút quảng cáo, nhiều báo điện tử không ngại đào sâu vào những vấn đề nhạy cảm của cuộc sống, tạo cho người đọc tâm lý hoang mang. Đó là chưa kể nhiều trường hợp thông tin sai lệch vì thu thập nguồn tin không chính thống khiến độc giả chẳng biết tin vào đâu.
Ví dụ như liên quan đến vụ thảm sát ở Bình Phước, chỉ trong 10 ngày đã có đến gần 1.700 tin, bài phản ánh, tập trung nhiều nhất ở báo điện tử. Trong đó, nhiều cơ quan báo chí đăng tải ít nhất mỗi ngày 10 bài về vụ án. Không chỉ mô tả chi tiết vụ án, tự suy diễn, khai thác thân nhân nạn nhân, thân nhân nghi can, nhiều báo còn có tiêu đề phản cảm chỉ nhằm khơi gợi sự tò mò của người đọc.
Nhiều đường link về các bài báo như thế nhanh chóng được truyền tải trên các trang mạng xã hội ngay sau đó. Nhắc đến thực trạng đáng buồn này, ông Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, bên cạnh sự tăng cường quản lý của các cơ quan chức năng, đã đến lúc báo chí chính thống trong nước phải liên kết chặt chẽ với nhau để kiềm hãm sự phát triển vượt tầm kiểm soát của những trang mạng “lá cải”: “Kỹ thuật càng ngày càng phát triển, thông tin bùng nổ nên báo điện tử, đặc biệt là những trang mạng xã hội sẽ ngày càng phát triển. Điều này không thể khác được. Bây giờ vấn đề quan trọng là phải vừa theo dõi, vừa hỗ trợ, vừa giúp đỡ, vừa nhắc nhở. Hệ thống báo chí chính thống phải mạnh, phải phản ứng nhanh, phải làm cập nhật.”.
Còn theo ý kiến của nhà thơ Lê Mạnh Tuấn, Trưởng ban Nhân Dân cuối tuần, báo Nhân Dân, thay vì tìm cách cưỡng lại sự phát triển như vũ bão của các trang báo điện tử, chúng ta có thể tận dụng kênh thông tin này để hỗ trợ cho sự phát triển chung của nền báo chí. Vấn đề là bản thân mỗi tờ báo chính thống phải làm thật tốt vai trò của mình, cho ra đời nhiều tác phẩm hay, bám sát và định hướng được thị hiếu nhiều thể loại độc giả.
Ông Tuấn nói: “Đối với báo chí, liên quan đến lĩnh vực mà họ truyền tải được những sản phẩm lên trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội thì việc sàng lọc nó là việc cực kỳ quan trọng. Muốn sàng lọc được thì cả một hệ thống quản lý phải chặt chẽ. Nhưng nếu tách phần quản lý ra thì bản thân hệ thống báo chí truyền thống phải đủ mạnh để thông qua đó những trang mạng thấy được những tác phẩm báo chí chính thống đủ giá trị để họ giúp mình đăng tải trên mạng xã hội. Khi đó, bạn đọc sẽ biết tự lựa chọn.”.
Quy hoạch báo chí nói chung và báo chí điện tử nói riêng không phải là việc có thể làm được trong một hai ngày, mà muốn mọi thứ đi vào guồng, cần sự chung tay từ nhiều phía. Ngoài những hướng giải quyết nói trên, theo ý kiến của các chuyên gia, sự tỉnh táo, nhạy cảm với thông tin và những ý kiến đóng góp cụ thể từ phía độc giả sẽ là chiếc gương giúp hệ thống báo điện tử tự soi lại mình để thay đổi theo hướng phù hợp hơn./.