Nhằm đảm an toàn các hồ chứa thủy lợi và đề phòng ngập úng do ảnh hưởng của rãnh thấp, hôm nay(14/8) Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công điện khẩn yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc; Giám đốc các Công ty Khai thác công trình thủy lợi: Bắc Đuống, Bắc Hưng Hải, Sông Nhuệ, Bắc Nam Hà chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai các biện pháp ứng phó.
|
Bảo đảm tuyệt đối an toàn các hồ thủy lợi. (Ảnh minh họa) |
Cụ thể, khắc phục ngay các sự cố, nguy cơ sự cố công trình thủy lợi đã xuất hiện do ảnh hưởng của các đợt mưa trước, có phương án không để xảy ra sự cố phát sinh, bảo đảm an toàn tuyệt đối công trình trong đợt mưa, lũ này. Tổ chức trực ban tại công trình suốt ngày đêm, theo dõi chặt chẽ mực nước và lưu lượng nước đến hồ chứa, chủ động hạ thấp mực nước theo đúng quy định tại quy trình vận hành hoặc khi công trình có nguy cơ xảy ra sự cố.
Tạm dừng triển khai các công trình đang thi công sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới, triển khai phương án bảo đảm an toàn trong đợt mưa lũ; chỉ triển khai thi công trở lại khi có dự báo thời tiết thuận lợi. Chủ động vận hành công trình để tiêu thoát nước đệm hợp lý trong các hệ thống công trình thủy lợi; sẵn sàng vận hành công trình tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra, bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi xảy ra mưa lớn vượt tần suất thiết kế.
Cập nhật thường xuyên dự báo mưa, lũ của các cơ quan khí tượng thủy văn và chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền; kịp thời điều chỉnh phương án vận hành hệ thống công trình thủy lợi phù hợp.
Bộ Y tế vừa có công điện gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Cao Bằng; Các đơn vị trực thuộc Bộ khu vực phía Bắc.
Để ứng phó với những diễn biến của mưa lũ, Bộ Y tế yêu cầu đối với một số tỉnh đã bị ảnh hưởng do đợt mưa lũ vừa qua cần khắc phục nhanh hậu quả do mưa lũ gây ra, tập trung cùng các cấp, ban ngành tổ chức tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại; cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ bị thiếu đói, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, tuyệt đối không để người dân bị đói bị thiếu thuốc khi ốm đau.
|
Đề phòng dịch bệnh có thể phát sinh sau mưa lũ. (Ảnh minh họa) |
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố có nguy cơ nói trên tiếp tục triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng trũng, thấp và vùng có nguy cơ lũ quét, ngập úng, sạt lở đất. Bộ Y tế chỉ đạo các Sở y tế triển khai ngay công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại những nơi mưa lũ đã rút, đề phòng dịch bệnh có thể phát sinh sau mưa lũ như: sốt xuất huyết, tiêu chảy, đau mắt đỏ…
Chỉ đạo Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng cách vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày, ăn chín uống sôi, khử trùng nguồn nước, giữ gìn vệ sinh phòng tránh những bệnh truyền nhiễm và phát sinh mầm bệnh. Các đơn vị trực thuộc Bộ chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, thiết bị phương tiện và phân công các đội y tế cơ động sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra.
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế và các đơn vị tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ, cập nhật thông tin và gửi báo cáo nhanh về dự trữ thuốc, hóa chất và trang thiết bị y tế, kết quả triển khai công tác y tế ứng phó với mưa lũ, rà soát lại số lượng, hạn sử dụng Cơ số thuốc phòng chống lụt bão và đề xuất yêu cầu về Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế qua số điện thoại 024.62732027; fax: 024.62732207, Email: pcttbyt@gmail.com./.